Đến 6h ngày 27-7, thế giới ghi nhận 10.004.325 người hồi phục sau khi bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, số người thiệt mạng cũng lên tới 651.198 người, trong đó Mỹ là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới (149.772 trường hợp), tiếp đến là Brazil (87.004 trường hợp). Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng ca nhiễm mới cũng đáng ngại, khi chỉ trong vòng 3 ngày, số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã tăng thêm 1 triệu.
Châu Á
Châu Á dần trở thành thành điểm nóng COVID-19 với số ca mắc mới ở nhiều nước đang tăng nhanh.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, dịch COVID-19 tại nước này sẽ còn kéo dài. Ông Modi cho biết, mặc dù tỷ lệ hồi phục của các bệnh nhân COVID-19 cao hơn so với nhiều quốc gia khác và tỷ lệ tử vong thấp hơn nhưng tại nhiều nơi, nhưng vi rút SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan rất nhanh và mọi người cần phải cảnh giác cao độ. Nước này đã ghi nhận thêm hơn 50.000 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 1.436.019 người, trong đó 32.810 người đã tử vong.
Giới chức y tế Ấn Độ cũng cho biết, quốc gia đông dân thứ nhì thế giới tới nay đã thực hiện được 16 triệu lượt xét nghiệm SARS-CoV-2. Như vậy, tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 của Ấn Độ đã đạt 11.485 xét nghiệm/1 triệu dân. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 158.981 xét nghiệm/1 triệu dân của Mỹ và chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ 23.094 xét nghiệm/1 triệu dân của Brazil.
Kế hoạch mở cửa giai đoạn hai (trong số ba giai đoạn) của Ấn Độ sẽ kết thúc vào ngày 31-7 tới. Tuy nhiên, chính quyền nước này nhiều khả năng sẽ chưa cho phép mở lại trường học, tàu điện ngầm, phòng gym, bể bơi và tiếp tục hạn chế tụ tập đông người.
Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới giảm xuống dưới 60 ca, một ngày sau khi thông báo số ca mắc trong ngày cao nhất trong gần 4 tháng. Thủ tướng nước này Chung Sye-kyun cho biết, Seoul sẽ thúc đẩy việc sửa đổi luật để bệnh nhân người nước ngoài mắc COVID-19 phải trả chi phí điều trị trong bối cảnh số lượng người nước ngoài nhiễm bệnh mới tăng đột biến.
Trung Quốc ghi nhận thêm 46 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 35 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Từ ngày 29-7, Hong Kong (Trung Quốc) sẽ không cho phần lớn các tàu thay đổi thủy thủ đoàn trong vùng lãnh thổ này. Chỉ có những tàu chở hàng có điểm đến là Hong Kong mới có thể thay thủy thủ đoàn, song các thủy thủ sẽ không được phép sinh hoạt trong cộng đồng, mà phải đến thẳng địa điểm cách ly được chỉ định.
Tại Đông Nam Á, Campuchia tạm thời đình chỉ các chuyến bay từ Indonesia và Malaysia từ ngày 1-8 cho đến khi tình hình dịch bệnh tại 2 quốc gia kể trên giảm bớt. Trong khi đó, Thái Lan yêu cầu người nước ngoài có thị thực quá cảnh, thị thực du lịch hoặc thị thực cấp tại điểm đến được kéo dài thời gian lưu trú do đại dịch COVID-19 phải rời khỏi Thái Lan chậm nhất vào ngày 26-9 tới.
Cụ thể, những người có thị thực ngắn hạn (thị thực du lịch, thị thực quá cảnh, thị thực tại điểm đến) và những người được miễn thị thực phải chuẩn bị để rời khỏi Thái Lan chậm nhất vào ngày 26-9 trừ trường hợp bị ốm và gặp những trở ngại khác như không có chuyến bay hoặc có bùng phát dịch. Trong trường hợp bị ốm, người nước ngoài phải mang chứng nhận y tế đến liên hệ với văn phòng di trú địa phương. Khi gặp những trở ngại khác, người nước ngoài phải liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán để có giấy xác nhận và đề nghị cấp thị thực lưu trú tạm thời và mang tới văn phòng di trú địa phương để xin giấy phép ở lại không quá 30 ngày.
Đối với những người có thị thực dài hạn, đơn xin gia hạn phải được nộp tại văn phòng di trú địa phương. Việc trình báo nơi cư trú 90 ngày trong khoảng thời gian từ 26-3 đến 31-7 phải được thực hiện ngay trong tháng 8.
Châu Mỹ
Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đã lên tới 4.365.421 trường hợp. Tốc độ lây nhiễm cũng tăng mạnh trở lại, với hơn 60.000 trường hợp mới mỗi ngày, tập trung ở các bang phía Nam và phía Tây như California, Texas, Alabama và Florida.
Là quốc gia có số ca nhiễm đứng thứ hai sau Mỹ, Brazil ghi nhận 2.419.091 trường hợp mắc Covid-19.
Peru chấm dứt biện pháp phong tỏa toàn quốc và bước vào giai đoạn nới lỏng từng bước nhằm khôi phục các hoạt động xã hội và tái khởi động nền kinh tế. Tổng thống Peru Martin Vizcarra trước đó khẳng định, chính phủ đã chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó nếu COVID-19 bùng phát trở lại, thậm chí là tái ban bố lệnh phong tỏa khi diễn biến xấu đi.
Costa Rica dự kiến sẽ cho phép các du khách từ Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada nhập cảnh từ ngày 1-8 tới. Các khách sạn tại quốc gia này cũng vẫn duy trì hoạt động, bất chấp việc số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng. Tới nay, Costa Rica đã có 15.229 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 629 ca nhiễm mới.
Châu Âu
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã bày tỏ sự ủng hộ quyết định của chính phủ nước này áp dụng lệnh cách ly 14 ngày với các du khách tới từ Tây Ban Nha, vốn đang gây ra sự hoang mang và giận dữ từ nhiều du khách.
Trước đó, London đã đưa Tây Ban Nha ra khỏi danh sách các nước an toàn về dịch COVID-19 ngay trong tối 25-7 (giờ địa phương) và có hiệu lực ngay lập tức chỉ vài giờ sau đó, khiến cho nhiều du khách không kịp ứng phó. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Raab cho rằng, đây là một quyết định kịp thời nhằm đối phó trước số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trở lại ở Tây Ban Nha.
Về phần mình, Tây Ban Nha khẳng định, tình hình dịch Covid-19 tại nước này vẫn đang trong kiểm soát, bất chấp số ca nhiễm mới tăng trong thời gian qua. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19, với số ca tử vong đã lên tới 28.432 người.
Châu Phi
Morocco chính thức áp dụng đợt phong tỏa mới, theo đó cấm hoàn toàn việc ra, vào ở các thành phố lớn gồm Casablanca, Tangier, Marrakech, Fez và Meknes để tránh dịch lây lan. Tới nay, quốc gia châu Phi đã tiến hành hơn 1,1 triệu lượt xét nghiệm trong cộng đồng và bắt buộc mọi người phải sử dụng khẩu trang khi ra đường.