Hai đối tác cũng là đối thủ

12:02, 01/08/2020

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở vào giai đoạn căng thẳng, tồi tệ nhất từ 1971 đến nay (1971 là thời điểm hợp tác hai nước). Hai bên “ăn miếng, trả miếng”  đáp trả lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao.

 Hiện nay Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống, nước này lại đang bị thảm họa Covid-19, ở vào thời điểm nhạy cảm này Trung Quốc biết mình đang có lợi thế trong cuộc đấu tay đôi với Mỹ. Vì thế những bất đồng song phương chắc chắn Trung Quốc không nhượng bộ để ngồi vào bàn đàm phán tìm giải pháp bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hai đối tác thương mại gắn chặt, đồng thời họ cũng là hai đối thủ trong việc cạnh trạnh ảnh hưởng địa vị chính trị, kinh tế toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc họ cũng là đối tác đầu tư của nhau, tổng vốn đôi bên trị giá hàng trăm tỷ USD. Đặt biệt Trung Quốc là nước mua nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất, trị giá trên 1.100 tỷ USD.

Những mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc cũng chỉ vì quyền lợi của chính họ. Mỹ từ lâu vốn tự coi mình là siêu cường số một, giữ vai trò lãnh đạo, định hình thế giới. Mấy thập niên qua, với sự lớn mạnh không ngừng, vị thế của Trung Quốc đối với thế giới ngày càng tăng, làm ảnh hưởng đến vị trí độc tôn của Mỹ.

Với thực lực kinh tế, tài chính dồi dào, những thập niên gần đây, Trung Quốc đã thực hiện chính sách “xâm lược mềm” vung tiền cho vay, viện trợ, đầu tư  khắp các châu lục vừa thu về nguồn lợi kinh tế vừa tạo vị thế chính trị rất lớn. Vai trò của Trung Quốc đối với các nước và các tổ chức quốc tế ngày càng tăng.

 Khi lên làm Tổng thống (vì chính sách nước Mỹ trên hết) ông Trump đã làm cho vị thế, uy tín của Mỹ giảm vì rút ra khỏi một loạt tổ chức quốc tế. Những quyết định của ông Trump vô tình làm cho vai trò của Trung Quốc càng trở nên quan trọng, số quan chức làm việc và kinh phí Trung Quốc đóng góp cho các tổ chức quốc tế ngày càng tăng.

Từ cuối năm 2018 Mỹ thực hiện cuộc chiến thương mại, tăng thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, phía Bắc Kinh đã đáp trả quyết liệt, hậu quả là cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề. Lý do phía Mỹ trừng phạt tăng thuế là trong quan hệ thương mại bất bình đẳng với Trung Quốc, Mỹ bị thua thiệt, Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ăn cắp phát minh, sáng chế…

 Gần đây hai bên đã mở rộng cuộc chiến ra nhiều lĩnh vực, họ không ngừng khẩu chiến tố cáo lẫn nhau. Điển hình các mâu thuẫn, các cuộc tranh cãi các vấn đề như: - Mỹ cấm Tập đoàn Huawei của Trung Quốc không được hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nước Mỹ và cấm các công ty Mỹ bán các thiết bị cho Tập đoàn này; - Mỹ cho rằng Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương; - Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan; Tổng thống Mỹ cáo buộc Trung Quốc làm phát tán và gây ra thảm họa dịch Covid -19 trên thế giới;  -Trung Quốc tố cáo Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ về việc Bắc Kinh ban hành Luật an ninh Hồng Kông…

Mới đây nhất ngày 24-7, Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston ở Texas với cáo buộc có nhân viên hoạt động gián điệp, ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ (trục xuất 60 công chức, viên chứcTrung Quốc). Trung Quốc cho đây là sự leo thang chưa từng có, Mỹ đơn phương khiêu khích chính trị.

Đáp trả ngay lập tức ngày 27-7, Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên (trục xuất có 50 công chức, viên chức Mỹ). Phía Trung Quốc cho rằng cơ sở ngoại giao này đã can thiệp vào công việc nội bộ ở  Tân Cương, Tây Tạng (Tổng lãnh sự quán này thực hiện các công việc ngoại giao của Mỹ tại các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Trùng Khánh và Khu tự trị Tây Tạng).