Hợp thức hóa quan hệ đối tác

17:08, 27/09/2020

Từ năm 1979, Mỹ chính thức cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng hai bên vẫn là đối tác kinh tế, thương mại, quân sự. Việc duy trì hợp tác của Mỹ đối với Đài Loan bị phía Trung Quốc cho là can thiệp vào công việc nội bộ, vi phạm chủ quyền quốc gia.Vì Bắc Kinh coi đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời đại lục.

Năm 2017 Mỹ ban hành Đạo luật ủy quyền quốc phòng về Đài Loan, cho phép tàu quân sự hai bên qua lại giao lưu với nhau. Do đó trong thời gian gần đây, tàu sân bay, khu trục hạm và máy bay Mỹ đã nhiều lần hoạt động trên hải phận, không phận Đài Loan. Mỹ cho rằng những việc làm trên là hợp pháp, phía Trung Quốc lại coi đó là sự cố tình khiêu khích quân sự.

Năm 2018, Quốc hội Mỹ lại thông qua Đạo luật đi lại với Đài Loan. Dư luận cho rằng việc làm của Mỹ đã hợp thức hóa, mở đường cho quan chức cấp cao Mỹ đến thăm Đài Loan và ngược lại quan chức Đài Loan có thể đến thăm Mỹ bất cứ lúc nào.
Đạo luật đi lại đã mở đường cho các quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan gần gũi nhau hơn. Điển hình như mới đây Thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách kinh tế, sự vụ Kith Krach thăm Đài Loan (17-9). Để tránh sự phản ứng của Bắc Kinh, chuyến đi quan chức cao cấp Mỹ được hợp thức với danh nghĩa dự lễ tưởng niệm cố Tổng thống Lý Đăng Huy. Trước đó là chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế, dân sinh Mỹ Alex Azal (10-8) với danh nghĩa hợp tác y tế, phòng chống dịch bệnh.

Trong hơn bốn thập niên qua, đến nay mới có hai quan chức của Chính quyền Mỹ thăm hòn đảo này (thăm không chính thức vì không có quan hệ ngoại giao với tư cách quốc gia). Đại diện cấp cao của Mỹ đã hội đàm với Tổng thống Thái Anh Văn và lãnh đạo Đài Loan. Phía Mỹ xác nhận sự có mặt của họ khẳng định Đài Loan vẫn luôn là bạn và là đối tác lâu dài của Mỹ.

Bắc Kinh kịch liệt phản đối về sự hiện diện của các quan chức cấp cao Mỹ đến Đài Loan và phản đối mọi sự hợp tác song phương giữa Mỹ với vùng lãnh thổ này, coi đó là sự khiêu khích chính trị, can thiệp công việc nội bộ Trung Quốc. Để đáp trả hành động của Mỹ, trong trong những thời điểm diễn ra các chuyến đi Đài Loan của quan chức Mỹ, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận rầm rộ đe dọa Đài Loan. Lần tập trận gần đây nhất có sự tham gia của 20 máy bay cường kích, tiêm kích và nhiều khu trục hạm gần kề hòn đảo này. Phía Đài Loan cáo buộc máy bay Trung Quốc vi phạm không phận của họ.

Phía Trung Quốc tìm mọi cách thực hiện mục tiêu đưa Đài Loan trở thành vùng lãnh thổ thống nhất với đại lục. Ngược lại Đài Loan luôn tuyên bố quyết tâm bảo vệ hòn đảo này trở thành quốc gia độc lập. Hiện nay Đài Loan có quan hệ ngoại giao với trên 10 nước (chủ yếu là nước nhỏ, không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc) và có các văn phòng đại diện ở hầu khắp các nước trên thế giới.

Đài Loan đầu tư rất lớn cho quốc phòng, chiếm từ 3 đến 4 % GDP, bình quân mỗi năm chi phí cho quân sự từ 10 đến 12 tỷ USD. Lãnh thổ Đài Loan có nền quốc phòng khá mạnh. Hiện có khoảng 200 nghìn quân chính quy, có 120 tàu chiến các loại, khoảng 200 máy bay quân sự... Các loại vũ khí, khí tài rất hiện đại chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ và một phần do Đài Loan tự sản xuất.
Mỹ là bạn hàng thương mại truyền thống của Đài Loan (chủ yếu mua vũ khí, khí tài quân sự Mỹ). Đến nay Mỹ có trên 5 nghìn dự án đầu tư vào lãnh thổ này với số vốn trên 20 tỷ USD. Đài Loan không phải là quốc gia độc lập nhưng là một đối tác đặc biệt mà người Mỹ có rất nhiều quyền lợi tại hòn đảo này.