Tính đến 6h ngày 14-10, toàn thế giới có 38.317.481 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.089.541 trường hợp tử vong và 28.814.582 bệnh nhân đã hồi phục.
Ngày 13-10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, tỷ lệ nhân viên y tế bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đã có dấu hiệu giảm bớt so với giai đoạn trước đây và đang ở mức gần tương đương với tỷ lệ nhân viên y tế trên tổng số dân.
Trước đó, số nhân viên y tế chỉ chiếm khoảng 3% dân số tại hầu hết các nước, song lại chiếm tới 14% số ca lây nhiễm. WHO cho rằng, tín hiệu tích cực này một phần là do các thiết bị bảo hộ cá nhân đã được cung cấp đầy đủ hơn, đồng thời mọi người cũng hiểu đúng và tuân thủ tốt các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, duy trì giãn cách xã hội…
Ngày 13-10, Facebook cho biết sẽ bắt đầu cấm các quảng cáo có nội dung không khuyến khích mọi người đi tiêm vắc xin, chống lại các chính sách của chính phủ về vắc xin, bao gồm các loại vắc xin COVID-19 tiềm năng.
Cùng ngày, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định, nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới sẽ phục hồi chậm hơn vào năm 2021 so với dự đoán trước đây, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng cùng với những khó khăn trong việc cân bằng thị trường. OPEC đang theo dõi tình hình và chưa có ý định hủy bỏ kế hoạch tăng nguồn cung.
Châu Mỹ
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong do COVID-19. Nước này đã có tổng cộng 8.084.767 trường hợp dương tính, trong đó có 220.766 người đã tử vong.
Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, đồng thời là bác sĩ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm nhận định, ngày càng có nhiều trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2 ở các khu vực khác nhau tại Mỹ. Do đó, không loại trừ khả năng một đợt bùng phát dịch mới sắp xảy ra tại xứ cờ hoa.
Tiến sĩ A.Fauci cũng cho biết, các nỗ lực nghiên cứu và phát triển vắc xin ngừa COVID-19 đang tiến triển tốt. Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ đang tài trợ cho một số thử nghiệm vắc xin COVID-19 tiềm năng.
Ngày 13-10, Chính phủ Mexico đã ký thỏa thuận với một số công ty dược phẩm để mua hơn 140 triệu liều vắc xin Covid-19 tiềm năng. Nước này sẽ tiếp nhận vắc xin trong khoảng thời gian từ tháng 12-2020 đến tháng 8-2021 và ưu tiên cho các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu và các đối tượng dễ bị tổn thương trước dịch bệnh.
Châu Âu
Ngày 13-10, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một quy định chung liên quan đến việc hạn chế đi lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, hằng tuần, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu sẽ công bố bản đồ dịch bệnh với các màu xanh, cam và đỏ (hoặc xám nếu không đủ dữ liệu), cho thấy nguy cơ dịch bệnh tại mỗi khu vực. Việc phân chia này được quyết định dựa trên các yếu tố dịch tễ như số ca nhiễm trên 100.000 dân trong 14 ngày, số lượng xét nghiệm và tỷ lệ các ca dương tính… Người đến từ các khu vực màu đỏ, cam hoặc xám có thể phải cách ly hoặc xét nghiệm, còn những người đến từ khu vực màu xanh không cần thực hiện các biện pháp này.
Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo tiếp tục nới lỏng các quy định về viện trợ nhà nước đến giữa năm 2021, nhằm giúp các doanh nghiệp ứng phó với đại dịch COVID-19 và bảo vệ thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU).
EU cũng đã đồng ý trả hơn 1 tỷ euro để công ty Gilead (Mỹ) cung cấp thuốc kháng sinh Remdesivir trong vòng 6 tháng, ngay trước khi công ty này công bố kết quả cuối cùng cho đợt thử nghiệm lớn nhất với dược phẩm điều trị COVID-19. Tuần trước, EU cũng đã ký hợp đồng với công ty này, trong đó cho phép 27 quốc gia thành viên và 10 quốc gia đối tác đặt hàng tới 500.000 liệu trình Remdesivir trong 6 tháng.
Ngày 13-10, Chính phủ Na Uy thông báo, khi có vắc xin ngừa COVID-19, nước này sẽ đưa loại vắc xin này vào chương trình tiêm chủng quốc gia và cung cấp miễn phí cho người dân.
Trong một video đăng tải trên mạng xã hội, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, ông đã tiếp xúc với một người mắc Covid-19 từ tuần trước và đang thực hiện các biện pháp kiểm dịch theo quy định, bao gồm cả việc cách ly. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định vẫn điều hành công việc của chính phủ như bình thường.
Ngày 13-10, Nga ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 trong một ngày ở mức kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, với 13.868 ca dương tính mới và 244 trường hợp tử vong. Hiện, Nga có hơn 1,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó gần 23.000 người tử vong.