Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 5/10 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 35.370.390 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 1.041.140 ca tử vong và 26.324.413 ca phục hồi.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 230.919 ca mắc mới và 3.610 ca tử vong vì đại dịch. Trong đó, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (74.722 ca), Mỹ (29.521 ca), Nga (10.499) và Brazil (8.456 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 902 ca), Mexico (388 ca), Brazil (341 ca), Mỹ (292 ca) và Iran (với 211 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 7.631.690 ca nhiễm COVID-19, trong đó 214.571 ca tử vong vì dịch bệnh. Trước tình hình sức khỏe của Tổng thống Donald Trump sau khi ông tuyên bố mình đã mắc COVID-19, trong buổi họp báo tại Nhà Trắng ngày 4/10, đội ngũ y tế của Tổng thống Trump đã cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe của ông và cho biết ông Trump có thể xuất viện sớm nhất vào ngày 5/10.
Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 5.335.437 người, với 225.048 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 58.624 ca nhiễm mới và 422 ca tử vong vì COVID-19. Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Quốc gia này ghi nhận đã có 1.215.001 ca mắc COVID-19 và 21.358 ca tử vong vì dịch bệnh. Giới chức Nga thông báo đã ghi nhận thêm 10.499 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Số ca tử vong cũng tăng thêm 107 ca. Giới chức Nga cho biết số ca COVID-19 mỗi ngày tại nước này đang tăng mạnh và hiện đã tăng cao nhất kể từ tháng 5.
Hôm 2/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga chưa có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa trên toàn quốc vào thời điểm này. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh, nhà chức trách đang cân nhắc áp đặt một số biện pháp phòng dịch tăng cường. Thị trưởng Moskva, Sergei Sobyanin trước đó thông báo thủ đô của Nga, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh tại nước này, sẽ kéo dài kỳ nghỉ trong tháng 10 của học sinh lên 2 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Tây Ban Nha, Pháp, Anh lần lượt là các quốc gia xếp sau Nga về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 trong khu vực với lần lượt là 810.807; 619.190 và 502.978 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại.
Châu Á, đã có tổng cộng 11.085.873 ca nhiễm và 201.503 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 108.398 ca mắc mới và 1.649 trường hợp tử vong. Riêng tại châu Á, có 9.369.379 ca được điều trị khỏi; 1.514.991 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 20.788 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 4/9, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 74.722 ca mắc mới và 902 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 6.622.135 và 102.714 ca. Hiện số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày tại Ấn Độ cao gấp đôi số ca mắc mới mỗi ngày trung bình tại Mỹ và Brazil.
Iran là quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 tại châu lục. Ngày 4/9, giới chức y tế Iran xác nhận các trường hợp COVID-19 ở nước này đã lên tới 471.772 người, sau khi có thêm 3.653 trường hợp mới ghi nhận trong ngày. Nước này cũng ghi nhận có thêm 211 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Iran lên 26.957 trường hợp.
Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 4/10, khu vực này ghi nhận thêm 7.489 ca mắc mới và 196 ca tử vong vì COVID-19. Như vậy, tính đến nay khu vực này ghi nhận có tổng cộng 717.847 ca mắc COVID-19, trong đó 17.559 ca tử vong và 579.047 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các nước khác. Trong ngày 4/10, Indonesia ghi nhận 3.992 ca mắc COVID-19 mới và 96 ca tử vong. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận có 11.151 ca tử vong và 303.498 ca mắc COVID-19.
Philppines hiện đang là quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca mắc COVID-19 với 322.497 ca, trong đó 5.776 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 4/10, Philippines ghi nhận 3.190 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong 2 tuần qua và 100 ca tử vong vì dịch bệnh. Thủ đô Manila dẫn đầu về tốc độ lây nhiễm trên cả nước, với số ca mắc mới cao nhất vào ngày 4/10 là 1.279 ca. Trước sự kiện bầu cử, Myanmar đã gia hạn lệnh cấm đi lại để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm.
Myanmar hiện là quốc gia có tốc độ tử vong do COVID-19 nhanh bậc nhất thế giới. Theo số liệu được công bố, số ca tử vong do COVID-19 tại Myanmar đã tăng gấp đôi trong 1 tuần qua. Tính đến nay, quốc gia này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 lên tới 17.794 trường hợp, trong đó có 412 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này có 1.291 ca nhiễm mới và 41 ca tử vong vì dịch bệnh.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 37.771 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 9.118.840 ca, tổng số người tử vong là 315.981 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 5.923.380 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 757.953
ca nhiễm và 78.880 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 166.155 ca nhiễm và 9.481 ca tử vong vì COVID-19.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 8.275.117 ca nhiễm; 261.091 ca tử vong và 7.124.299 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 4.915.289 ca nhiễm, trong đó 146.352 ca tử vong. Colombia xếp sau Brazil tại khu vực với 855.052 ca nhiễm và 26.712 ca tử vong vì dịch bệnh. Tiếp đến là Peru với 824.985 ca nhiễm và 32.665 ca tử vong vì COVID-19.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, chỉ có Australia và New Zealand ghi nhận có ca mắc mới vì COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 15 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 27.136 ca. Tính đến sáng 5/10, nước này chưa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, Australia ghi nhận đã có 894 trường hợp tử vong vì COVID-19.
French Polynesia là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.964 ca, trong đó 8 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này không ghi nhận thêm ca dương tính mới COVID-19 nào. New Zealand đứng thứ 3 trong khu vực chịu tác động từ đại dịch COVID-19. Tính đến nay, quốc ghi này ghi nhận có 1.854 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 25 trường hợp tử vong.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 1.522.848 ca mắc COVID-19, trong đó 36.566 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 681.289 trường hợp, trong đó 16.976 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 1.573 ca mắc mới COVID-19 và 38 ca tử vong vì đại dịch.
Morocco là quốc gia xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng tại khu vực khi ghi nhận có 133.272 ca nhiễm COVID-19 và 2.330 ca tử vong vì dịch bệnh, tiếp đến là Ai Cập với 103.683 ca nhiễm và 5.981 ca tử vong vì COVID-19./.