Vaccine ngừa COVID-19 phải được xem như một hàng hóa công cộng trên phạm vi toàn cầu và được tiếp cận tới tất cả mọi người, mọi nơi trên thế giới. Đây là thông điệp do Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) Munir Akram đưa ra trong cuộc họp báo trực tuyến, ngày 16/12.
Vaccine cho tất cả mọi người – phép thử trong cuộc chiến chống COVID-19
Theo quan điểm của ông Akram thì việc phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 chính là một “phép thử axit” đối với cộng đồng quốc tế. Qua đó, người đứng đầu ECOSOC nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác và đoàn kết toàn cầu trong đẩy lùi dịch bệnh.
Trong cuộc họp báo, ông Akram – người đồng thời giữ vị trí Đại sứ Pakistan tại Liên hợp quốc đã nhấn mạnh sự hợp tác quốc tế mang tính đột phá nhằm đạt được mục tiêu nêu trên, thông qua cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) do Liên hợp quốc khởi xướng. Theo ông thì vấn đề cuối cùng chính là câu hỏi về ý chí chính trị, rằng liệu toàn bộ dân số toàn cầu có được tiếp cận với vaccine hay không.
Trả lời một câu hỏi của phóng viên liên quan tới nội dung này, ông Akram cho rằng quyết định liệu có phân bổ một tỷ lệ vaccine tới các nước khác, bao gồm các nước đang phát triển và những đối tượng dễ bị tổn thương tại các nước đang phát triển hay không lại phụ thuộc vào chính phủ các nước.
Trong năm 2021, ông Akram cho biết ECOSOC có kế hoạch hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển và các diễn đàn có nhiệm vụ xem xét các vấn đề quan trọng liên quan tới phục hồi và tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo quan điểm của ông Akram thì những tiến bộ nhanh chóng trong việc điều chế vaccine COVID-19 đã cho thấy khoa học, công nghệ và sự đổi mới có thể được khai thác như thế nào để phục vụ cho việc hướng tới mục tiêu chung. Những yếu tố này cũng được áp dụng trong các nỗ lực toàn cầu để mang lại một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan ngại mà ông Akram đã chỉ ra rằng, các nước đang phát triển thường có nguy cơ “bị cản trở” khi tiếp cận với những đột phá về công nghệ do các vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ.
Cơ chế tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu" (COVAX) là một kế hoạch được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng tổ chức Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Sẵn sàng Đối phó Dịch bệnh và Liên minh vaccine Gavi đồng khởi xướng và dẫn đầu. Cơ chế này nhằm đảm bảo mọi người trên thế giới được tiếp cận với vaccine bất kể giàu nghèo, với hy vọng đến cuối năm 2021 sẽ có 2 tỷ liều vaccine để phân phối. Hiện 184 nước đã tham gia chương trình này, song hiện Mỹ và Nga (hai nước đã phê chuẩn vaccine tự sản xuất) đều chưa tham gia.
Không ai an toàn cho tới khi tất cả chúng ta đều an toàn
Thế giới đang bước vào những ngày lễ hội cuối năm khi mà những mối đe dọa của đại dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu. (Ảnh: Xinhua)
Tính đến chiều hôm nay (17/12), toàn thế giới có hơn 74,5 triệu ca nhiễm COVID-19, với gần 1,7 triệu ca tử vong tại 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các số liệu mới nhất của WHO cho thấy, trong những ngày gần đây, số ca tử vong trên toàn thế giới có thể thuyên giảm, nhưng số lượng ca mắc COVID-19 mới vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại, thậm chí còn tăng tốc ở nhiều nơi.
Đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống con người, mang lại những thách thức to lớn đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Thế chiến II và là thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái năm 1930. Quỹ Tiền Tệ quốc tế (IMF) gọi điều đang xảy ra do tác động của COVID-19 là cuộc “Đại phong tỏa”, trong khi các nhà phân tích chính sách dự báo những sự thay đổi toàn cầu, trật tự thế giới trong suốt thời gian tới khi các nền kinh tế lớn của thế giới có nguy cơ phải trải qua một chu kỳ yếu kém trong thời gian dài. Các chuyên gia này cũng dự báo việc gia tăng ca nhiễm COVID-19 sẽ làm chậm quá trình phục hồi của thế giới, khiến GDP toàn cầu mất ít nhất hơn 5.000 tỷ USD.
Còn như theo lời của ông Akram thì đại dịch COVID-19 đã khiến 80% dân số tại các nước đang phát triển chịu cảnh phong tỏa, phải sống trong bóng tối. Những người này không có khả năng kết nối, thực hiện các hoạt động thương mại, kinh doanh và đưa nhịp sống trở lại bình thường.
Sự bùng phát chưa có điểm dừng của đại dịch đã thôi thúc nhiều nước và các công ty dược phẩm lớn trên thế giới đẩy nhanh việc điều chế vaccine ở với một tốc độ được đẩy nhanh ở mức “chưa từng có tiền lệ”. WHO cho biết, tính đến nay, thế giới đã có 52 vaccine ngừa COVID-19 được thử nghiệm lâm sàng và 162 loại vaccine đang trong giai đoạn phát triển tiền lâm sàng. Việc mở ra cánh cửa của vaccine COVID-19 sẽ mang lại ánh sáng giúp thế giới vượt qua đại dịch trong tương lai không xa. Tuy nhiên, việc có được vaccine là một chuyện còn việc phân phối vaccine ra sao để bảo đảm quyền tiếp cận của tất cả mọi người lại là câu chuyện khác. Đây cũng là những nội dung đã được nhắc tới trong Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới năm 2020 diễn ra ở Berlin, Đức hồi cuối tháng 10 vừa qua, khi các nhà lãnh đạo trên thế giới tập trung thảo luận về đại dịch COVID-19.
Nhân sự kiện này, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, không ai được an toàn trước COVID-19 cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn. Ông hối thúc các nước hợp tác để ứng phó đại dịch một cách hiệu quả hơn thay vì xu hướng một số quốc gia dự trữ số lượng lớn vaccine phòng COVID-19 cho người dân trong nước. Thông điệp này cũng đã được Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghenreyesus hưởng ứng với lời kêu gọi đoàn kết toàn cầu để chấm dứt đại dịch COVID-19, trong đó cách duy nhất để khôi phục sau đại dịch là bảo đảm các quốc gia nghèo hơn được tiếp cận vaccine một cách công bằng./.