Hãng AFP dẫn báo cáo của giới chuyên môn cho thấy, số ca mắc và tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới đã có xu hướng giảm so với những ngày trước đó. Số ca mắc mới ghi nhận trong 1 tháng qua đã giảm gần một nửa và tiếp tục đà giảm trong tuần này.
Thống kê cho thấy các khu vực trên thế giới đều ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm trong tuần qua. Trung bình, mỗi ngày thế giới chỉ ghi nhận 412.700 ca mắc COVID-19. Tại Mỹ và Canada, số ca nhiễm mới theo ngày đã giảm 24%; tại châu Phi giảm 20%; châu Á giảm 18%, châu Âu giảm 15%, Mỹ Latinh và vùng Caribe giảm 10% và Trung Đông giảm 2%. Tại châu Đại dương, virus SARS-CoV-2 dường như không tồn tại với số ca nhiễm mới hàng ngày ghi nhận chỉ còn 12 ca.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), bà Andrea Ammon cảnh báo nguy cơ virus SARS-CoV-2 có thể còn tồn tại lâu dài, bất chấp tỷ lệ lây nhiễm đã chậm lại gần 50% trong tháng 1 qua và nhiều nước trên thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng.
Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 14/2/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 109.081.181 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2.403.778 ca tử vong và 81.108.251 ca phục hồi. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 363.499 ca mắc và 9.806 ca tử vong mới vì đại dịch.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 28.190.582 ca nhiễm COVID-19, trong đó 495.794 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (79.893 ca); Brazil (45.561 ca); Pháp (21.231 ca); Nga (14.861 ca); Anh (13.308 ca) … Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Mỹ (2.003 ca); Mexico (1.323 ca); Brazil (1.046 ca); Anh (621 ca); Nga (502 ca); Đức (379 ca)…
Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 32.130.239 người, với 764.115 ca tử vong. Hết ngày 13/2, châu lục này ghi nhận đã có thêm 121.074 ca nhiễm mới và 3.230 ca tử vong vì COVID-19. Nga hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Nga ghi nhận đã có 4.057.698 ca mắc COVID-19 và 79.696 ca tử vong vì dịch bệnh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 13/2 bày tỏ lạc quan rằng có thể thông báo nới lỏng một số biện pháp phong tỏa, trong bối cảnh chính phủ đang tiến gần đến mục tiêu tiêm chủng cho 15 triệu người thuộc các nhóm ưu tiên. London cho biết đến ngày 15/2 sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người từ 70 tuổi trở lên, những người dễ bị triệu chứng nặng, các nhân viên y tế và xã hội tuyến đầu cùng người già trong các viện dưỡng lão. Hiện nay ở Anh có hơn 14 triệu người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Châu Á đã có tổng cộng 23.974.812 ca nhiễm và 384.973 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 63.154 ca mắc và 879 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 22.491.783 ca được điều trị khỏi; 1.098.056 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 22.355 ca bệnh nặng. Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 13/2, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 12.188 ca mắc mới và 85 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 10.904.738 ca và 155.673 ca.
Tại ASEAN, khu vực này có 7 quốc gia ghi nhận 14.492 ca mắc COVID-19 và 297 ca tử vong trong ngày 13/2, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại khu vực lên 2.248.501 ca, trong đó 48.736 ca tử vong.
Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh nặng nề nhất trong khu vực. Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận có thêm 8.848 ca mắc mới COVID-19 và 280 ca tử vong vì dịch bệnh. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 1.210.703 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 32.936 ca tử vong. Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 của Indonesia trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 13/1 đã diễn ra suôn sẻ. Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số, tức trên 181 triệu người nhằm xây dựng miễn dịch cộng đồng chống SARS-CoV-2. Nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch là đối tượng được ưu tiên trong chương trình tiêm chủng. Đối tượng tiếp theo sẽ là nhân viên dịch vụ công.
Các khu vực còn lại trên thế giới cũng ghi nhận những tín hiệu lạc quan về tình hình dịch COVID-19 trong ngày 13/2 khi số ca mắc mới liên tục giảm so với những ngày trước đó. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 96.878 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 32.279.940 ca, tổng số người tử vong là 714.583 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 21.470.646 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 1.978.954 ca nhiễm và 172.557 ca tử vong.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 16.880.778 ca nhiễm; 440.722 ca tử vong và 15.186.088 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 9.811.255 ca nhiễm, trong đó 238.647 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, New Zealand và Samoa là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 28.892 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 909 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 3.764.150 ca mắc COVID-19, trong đó 98.290 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.490.063 trường hợp, trong đó 47.821 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 2.382 ca mắc mới COVID-19 và 151 ca tử vong vì đại dịch./.