Hãng tin Reuters, ngày 19/2 dẫn lời Hạ nghị sĩ Ken Buck, thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa tại bộ phận chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ khẳng định, trong những tuần tới, các thành viên lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ đưa ra một dự luật nhằm hỗ trợ các tổ chức, hãng tin tức nhỏ đàm phán với các tập đoàn công nghệ lớn.
Phát biểu với Reuters, ông Buck khẳng định, các hạ nghị sĩ trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ sẽ đưa ra một loạt dự luật chống độc quyền, trong đó dự luật đầu tiên nếu được thông qua trong những tuần tới sẽ cho phép các hãng tin tức nhỏ thương lượng chung với Facebook và Alphabet của Google. Dự luật trên sẽ tương tự như một dự luật được Hạ nghị sĩ David Cicilline đưa ra năm 2019, trong đó cho phép các nhà xuất bản tin tức nhỏ kết hợp với nhau để đàm phán với các “ông lớn về công nghệ” như Facebook và Google.
Cả Google và Facebook đều chưa đưa ra bình luận tức thời nào sau tuyên bố của ông Buck.
Hiện nhiều công ty truyền thông xã hội đang sử dụng tin tức để thu hút khách hàng và bị các nhà xuất bản tin tức cáo buộc không chia sẻ đủ doanh thu quảng cáo với họ. Dự luật chuẩn bị được Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ thông qua được cho là có thể thúc đẩy doanh số bán hàng trong lĩnh vực kinh doanh tin tức vốn đang gặp khó khăn.
Trong khi Facebook đã tìm được các nhà xuất bản đối tác thì một ông lớn khác về công nghệ là Google vẫn đang chật vật với công cuộc tìm kiếm đối tác xuất bản tại Pháp, Australia và một số nước khác trên thế giới.
Cách đây ít hôm, Google ra thông báo về việc họ đã chấp thuận một thỏa thuận toàn cầu với tập đoàn truyền thông News Corp NWSA.O, đề cập tới "các khoản thanh toán đáng kể" cho các đơn vị cung cấp tin tức, trong một giao dịch được đánh giá là “lớn nhất” thuộc loại hình này.
Thông tin này được ông Buck đưa ra vào thời điểm cuộc tranh cãi pháp lý giữa chính phủ Australia và gã khổng lồ công nghệ Facebook, dù đã có phần “hạ nhiệt căng thẳng” sau nhượng bộ từ Facebook, song vẫn chưa đến hồi ngã ngũ.
Tranh cãi bùng phát sau khi Facebook đã chặn việc đăng tải tin mới trên các trang và nền tảng của mình, bao gồm cả các thông tin về từ thiện, dịch vụ y tế và tình trạng khẩn cấp, như một phần trong các biện pháp đáp trả việc Quốc hội Australia chuẩn bị thông qua Bộ quy tắc thương lượng truyền thông, theo đó yêu cầu Facebook và Google trả tiền cho các hãng tin đã sử dụng các nền tảng của họ để chia sẻ tin tức, hoặc đồng ý với một mức giá thông qua trọng tài.
Tuy nhiên, trong một động thái mang tính “hòa giải”, Giám đốc cấp cao Facebook Châu Á - Thái Bình Dương Simon Milner, ngày 19/2 đã lên tiếng xin lỗi chính phủ Australia sau khi công ty vô tình cấm truy cập tài khoản của cơ quan chính phủ và tổ chức y tế quốc gia. Đáp lại, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã hoan nghênh lời xin lỗi từ ông Milner, song vẫn bảo lưu quan điểm rằng việc Facebook đóng các tài khoản thông tin công cộng là không thể biện hộ được. Ông Morrison cho biết Facebook sẽ quay lại bàn đàm phán với Australia sau khi cấm người dân nước này xem và chia sẻ tin tức./.