Phó giáo sư Nhật Bản Makoto Seta đồng thời là chuyên gia Luật Quốc tế nhận định, các nước cần có tiếng nói chung mạnh mẽ trước những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tại hội thảo trực tuyến “Những vấn đề Biển Đông nhìn từ quan điểm và luật pháp quốc tế - An ninh Biển” do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 1-4, Phó giáo sư Makoto Seta, khoa Luật Quốc tế, Đại học Yokohama City (Nhật Bản) đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực thi Luật pháp quốc tế trong việc đảm bảo an ninh ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông trong bối cảnh hiện nay, những nội dung cơ bản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 trong đó đề cập tới những quy định về việc thực thi luật ở những khu vực chồng lấn, các yếu tố cần xem xét khi tiến hành hoạt động của lực lượng cảnh sát biển; nghĩa vụ không gây nguy hiểm hoặc cản trở hay cấm sử dụng và đe dọa vũ lực.
Phó giáo sư Makoto Seta cũng đã giới thiệu một số nội dung của Luật Hải cảnh Nhật Bản và Luật Hải cảnh Trung Quốc, soi chiếu với UNCLOS 1982. Theo Phó giáo sư Makoto Seta, Luật Hải cảnh Trung Quốc có nhiều điều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.
Phó giáo sư Makoto Seta cho rằng, Luật Hải cảnh Trung Quốc bao gồm những khái niệm mập mờ, mơ hồ về “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” và có điều khoản cho phép sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng vũ lực đối với tàu bè nước ngoài mà Trung Quốc cho là “vi phạm chủ quyền” của nước này.
Theo Phó giáo sư Makoto Seta, việc Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế với việc thực thi những hành động khiêu khích, gây bất ổn ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian gần đây đã khiến dư luận quốc tế lo ngại. Trung Quốc là một thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển UNCLOS năm 1982, tham gia UNCLOS 1982, nhưng lại có hành động vi phạm các điều khoản của UNCLOS. Chính vì thế mà các nước trong khu vực cần có tiếng nói chung, lên án những hành động phi pháp của Trung Quốc.
“Tôi nhấn mạnh, khi Trung Quốc tham gia vào UNCLOS 1982 đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng những hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông lại đang phớt lờ những quy định này. Điều này rất đáng lo ngại. Những gì mà các nước có thể làm đó là yêu cầu Trung Quốc phải có nghĩa vụ tuân thủ quy định của UNCLOS khi là thành viên của Công ước”.
“Nhật Bản mong muốn phối hợp với các nước trong khu vực như Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam cùng có tiếng nói chung về vấn đề này. Như vậy, việc các nước cùng xây dựng cơ chế thi hành luật pháp chung, có tiếng nói mạnh mẽ, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các quy tắc của luật pháp quốc tế, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông, sẽ giảm thiểu nguy cơ xung đột tại 2 vùng biển quan trọng này”.
Cũng tại hội thảo “Những vấn đề Biển Đông nhìn từ quan điểm và luật pháp quốc tế - An ninh Biển”, Phó giáo sư Makoto Seta nhấn mạnh việc thực thi Luật quốc tế ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông là yếu tố cần thiết để duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Các nước là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, trong đó có Trung Quốc càng cần có trách nhiệm tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực./.