Cùng chung tay đẩy lùi hậu quả bom mìn

14:41, 04/04/2021

Ngày 4-4 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống bom mìn, hay còn gọi là Ngày Quốc tế về Nhận thức và Hỗ trợ Khắc phục hậu quả Bom mìn, với nhiều sự kiện diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Đây là dịp khẳng định lời cam kết của tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất trên thế giới trong nỗ lực loại bỏ các mối đe dọa bom mìn và tàn dư của chất nổ chiến tranh.  

Bom mìn là mối nguy hại với bất cứ ai. Dù chiến tranh đã kết thúc nhưng sự tồn tại của các thiết bị nổ chiến đấu đã để lại nhiều nguy cơ và là nguyên nhân gây ra hàng nghìn vụ thương vong mỗi năm. Các vụ nổ bom mìn đã vô tình cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, ảnh hưởng tiêu cực tới sinh kế của người dân. Hơn nữa, việc tái thiết cuộc sống sau mỗi cuộc chiến là điều tập trung cần làm hàng đầu, nhưng kế hoạch này có thể sẽ bị cản trở bởi những vụ nổ bom mìn không mong muốn...

Ngày 8-12-2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố rằng ngày 4-4 hằng năm sẽ được chính thức công bố và coi là Ngày Quốc tế về Nhận thức và Hỗ trợ Khắc phục hậu quả Bom mìn. Sự kiện này được tổ chức đầu tiên vào ngày 4/4/2006 như một lời nhắc nhở các quốc gia tiếp tục nỗ lực để thiết lập và phát triển năng lực khắc phục hậu quả bom mìn nhằm mang lại bình yên cho cuộc sống người dân.

Kể từ đó, ngày 4-4 hàng năm là dịp nâng cao nhận thức về bom mìn và nêu bật những tiến bộ đạt được trong việc tiêu hủy loại vũ khí nguy hiểm này. Trong đó, “hành động bom mìn" đề cập đến một loạt các nỗ lực rà phá bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, cùng với việc đánh dấu và rào lại các khu vực nguy hiểm. Hành động này cũng bao gồm việc hỗ trợ nạn nhân, hướng dẫn mọi người cách giữ an toàn trong môi trường bị ảnh hưởng bởi bom mìn, ủng hộ việc tham gia phổ biến vào các điều ước quốc tế liên quan đến bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2020, bất chấp những tác động từ đại dịch COVID-19 các nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn trên toàn thế giới đã đạt được những kết quả ấn tượng: Hàng nghìn vật liệu nổ đã được phát hiện và tiêu hủy; hàng trăm nghìn m2 đất đã được “làm sạch” và sử dụng trở lại cho các hoạt động sản xuất; hàng triệu người đang sinh sống hoặc quay trở lại những khu vực đã được làm sạch bom mìn được trang bị kiến thức về nguy cơ vật liệu nổ và nhiều người còn được phối hợp tuyên truyền với hướng dẫn phòng ngừa COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong năm nay, Liên hợp quốc sẽ thúc đẩy hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn bằng cách nêu bật cách thức các yếu tố bao gồm “Sự kiên trì, Đối tác và Tiến bộ” đã đưa lĩnh vực này vượt qua thách thức từ đại dịch COVID-19.

Việt Nam là một trong những quốc gia phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bom, mìn sau chiến tranh. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách nhưng cũng là nhiệm vụ lâu dài. Ngay sau chiến tranh, Việt Nam đã triển khai làm sạch đất đai nhưng do diện tích ô nhiễm quá lớn, nguồn lực lại hạn chế nên ở nhiều nơi người dân vẫn đang phải sinh sống, sản xuất trên những vùng đất còn bom mìn sót lại.

Ngày 21-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là chương trình 504). Tuy nhiên, việc làm sạch hết 6,6 triệu ha đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ đòi hỏi thời gian và nguồn lực rất lớn. Ngoài việc huy động các nguồn lực trong nước, Việt Nam cũng rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để nhanh chóng làm sạch đất đai mang lại bình yên cuộc sống cho người dân.

 Ngày 8/4 tới, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, dưới vai trò Chủ tịch luân phiên của Việt Nam, sẽ tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn". Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Đại sứ phụ trách vấn đề loại bỏ mối nguy hiểm về bom mìn và chất nổ của Liên hợp quốc Daniel Craig sẽ cùng tham dự sự kiện này, như một lời nhấn mạnh về tầm quan trọng của hành động bom mìn ở cấp độ cao nhất./.