Truyền thông Nga đưa tin, ngày 15-4, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định sẽ áp đặt trừng phạt 20 thực thể, 12 cá nhân của Nga, đồng thời trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga.
Theo hãng tin Bloomberg, Chính quyền Tổng thống Biden sẽ áp đặt các đòn trừng phạt nhằm vào 12 cá nhân người Nga, trong đó có các quan chức tình báo và quan chức chính phủ, cùng 20 thực thể khác với cáo buộc can thiệp bầu cử và dính dáng tới vụ tấn công hệ thống năng lượng SolarWinds.
Trước đó cùng ngày, Nhà Trắng thông báo chính quyền mới của Mỹ sẽ làm việc để hướng tới một mối quan hệ bình ổn với Nga, song nhằm tìm kiếm khả năng có thể dự đoán trước thay vì đặt niềm tin giữa hai nước.
Tuần trước, Bloomberg đưa tin Chính quyền Mỹ đã hoàn tất một bản đánh giá tình báo về vai trò tiềm tàng của Nga trong vụ tấn công mạng nhằm vào SolarWinds và can thiệp trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Nhà Trắng đang cân nhắc các hành động nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ, bao gồm cả việc trừng phạt những cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin và những cơ quan có liên quan tới những cáo buộc can thiệp bầu cử.
Về phần mình, Nga cương quyết bác bỏ mọi cáo buộc nói trên của Mỹ.
Theo hãng thông tấn Tass, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga, nếu được triển khai, sẽ cho thấy sự bất nhất giữa hành động và lời nói từ phía Washington.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Kênh 1 truyền hình Nga ngày 14-4, khi được yêu cầu bình luận về khả năng Mỹ áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Moskva, ông Peskov nói: “Nếu thế thì lời nói của họ sẽ ít liên quan với hành động”. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho biết trong cuộc điện đàm ngày 13-4 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận vấn đề leo thang căng thẳng tại Ukraine.
Động thái đáng quan ngại trên diễn ra sau khi Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan được mời tham dự đối thoại với Cố vấn Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov. Phía Moskva đã thông báo rằng Nga chắc chắc sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt mới nếu Washington triển khai.
Theo giới quan sát, việc Nhà Trắng áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào thời điểm này sẽ tạo ra rào cản rất lớn cho triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai bên, làm lu mờ khả năng diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ.
Trong cuộc điện đàm ngày 13-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại một nước thứ ba. Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ: “Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden tái khẳng định mục tiêu xây dựng mối quan hệ ổn định và dễ đoán định với Nga và phù hợp với lợi ích của Mỹ, đồng thời đề xuất lãnh đạo hai nước họp thượng đỉnh tại nước thứ ba trong vài tháng tới nhằm thảo luận một loạt vấn đề trong quan hệ Mỹ-Nga”. Nếu được tổ chức, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Biden và ông Putin.
Ngày 14-4, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết Điện Kremlin sẽ cân nhắc đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Moskva, ông Peskov nêu rõ hiện còn quá sớm để nói về cuộc gặp này một cách cụ thể. Ông nhấn mạnh còn sớm để nói cụ thể về cuộc gặp. Theo quan chức Nga, đây là đề xuất mới và sẽ được nghiên cứu.