CNN dẫn các nguồn tin cho biết, Phái bộ ngoại giao Mỹ tại Ấn Độ ghi nhận 2 trường hợp tử vong và hơn 100 người mắc COVID-19 trong những tuần gần đây trong bối cảnh New Delhi đang phải chật vật đối phó với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh này.
Nguồn tin của CNN không nêu chi tiết các nhân viên phái bộ ngoại giao tử vong và mắc COVID-19 ở khu vực nào tại Ấn Độ. Mỹ có 5 lãnh sự quán ở các thành phố khác nhau và 1 Đại sứ quán ở thủ đô New Delhi.
Các nhân viên người Mỹ cùng người nhà và các nhân viên người địa phương của phái bộ ngoại giao Mỹ chỉ bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong vòng 2 tuần trở lại đây.
Trong vòng 6 tuần trước, cho dù tỷ lệ mắc COVID-19 ở Ấn Độ tăng đột biến, nhưng các nhân viên ngoại giao vẫn chưa được tiêm vaccine. Cũng trong khoảng thời gian này, đã có 2 chuyến thăm cấp cao của các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden tới Ấn Độ.
Nguồn tin tiết lộ với CNN rằng, một số nhân viên tỏ ra thất vọng vì cảm thấy họ không được nhận thông tin rõ ràng về việc khi nào phái bộ ngoại giao của Mỹ ở Ấn Độ có thể được tiêm vaccine và họ cảm thấy mình không được ưu tiên trong khi nhiều nhân viên ngoại giao ở châu Âu và Mỹ đều đã được tiêm chủng.
Một nguồn tin cũng nói với CNN rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm việc để đưa vaccine tới các địa điểm khó khăn như ở Kabul (Afghanistan) và Baghdad (Iraq). Điều này có thể khiến phái bộ ở Ấn Độ vẫn phải chờ đợi để được tiêm chủng. Vaccine “đã đến quá muộn khi đã có 2 người tử vong, đó là điều khủng khiếp”.
Từ đầu năm nay, nhiều nhà ngoại giao Mỹ ở nước ngoài đã tỏ ra thất vọng về tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Ngoại trưởng Tony Blinken cũng đã thừa nhận điều này trong một tuyên bố hồi tháng 2 năm nay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói rằng, đến 18-4, bộ này đã hoàn tất việc chuyển vaccine tới tất cả các phái bộ ở nước ngoài.
Do đại dịch COVID-19, Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ đã cho phép nhân viên làm việc tại nhà và chỉ để vài nhân viên làm việc tại công sở./.