Việt Nam hoan nghênh việc Tổng thống Mỹ ký ban hành Đạo luật chống Tội ác thù hận vì COVID-19 để ngăn chặn các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Việt Nam mong muốn cộng đồng người gốc Việt và công dân Việt Nam cũng như toàn thể cộng đồng người gốc Á và kiều dân nước ngoài tại Mỹ được bảo đảm an toàn. Đây là khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khi được đề nghị bình luận về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã ký đạo luật cấm kỳ thị người Mỹ gốc Á.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 27-5, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam hết sức quan tâm và coi trọng việc bảo đảm đời sống ổn định, an ninh, an toàn, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trên tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh việc Tổng thống Mỹ ký ban hành Đạo luật chống Tội ác thù hận vì COVID-19 để ngăn chặn các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Việt Nam mong muốn cộng đồng người gốc Việt và công dân Việt Nam đang học tập, sinh sống và làm việc tại Mỹ, cũng như toàn thể cộng đồng người gốc Á và kiều dân nước ngoài tại Mỹ được bảo đảm an toàn, tiếp cận bình đẳng các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm để tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như quan hệ Đối tác Toàn diện Việt – Mỹ”.
Hôm 20-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật chống Tội ác thù hận vì COVID-19 nhằm ngăn chặn các vụ hành hung, kỳ thị và phạm tội nhắm vào người Mỹ gốc Á. Trước đó, đạo luật này đã được thông qua tại Hạ viện (364 phiếu ủng hộ/62 phiếu chống) và Thượng viện (94 phiếu ủng hộ/1 phiếu chống).
Không chỉ lên án các hành vi phân biệt đối xử, đạo luật quy định thành lập một đơn vị mới tại Bộ Tư pháp để xem xét các đánh giá về nguy cơ hành vi tội ác đối với người gốc Á. Đạo luật cũng yêu cầu cung cấp nguồn tài trợ cho các bang lập đường dây nóng, đào tạo cơ quan thực thi pháp luật về cách ngăn chặn và xác định tội phạm thù hận. Ngoài ra, các cơ quan liên bang cũng sẽ phối hợp với các tổ chức cộng đồng để nâng cao nhận thức về tội ác thù hận trong đại dịch./.