Chuyên gia phân tích Valeria Vershinina thuộc Trung tâm ASEAN, Học viện Ngoại giao Moskva (MGIMO) đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và tiềm năng hợp tác Việt – Nga trong đảm bảo an ninh hàng hải.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, bình luận về các đề xuất quan trọng được Thủ tướng Việt Nam đưa ra tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về an ninh biển do Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức mới đây, chuyên gia phân tích Valeria Vershinina thuộc Trung tâm ASEAN, Học viện Ngoại giao Moskva (MGIMO) đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và tiềm năng hợp tác Việt - Nga trong đảm bảo an ninh hàng hải.
Chuyên gia Vershinina cho rằng sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sự kiện tầm cỡ nên trên chứng tỏ niềm tin ở mức độ cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng những thách thức đối với an ninh hàng hải ngày nay, gồm cả thách thức truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi cách ứng phó thực sự mang tính tập thể và toàn cầu.
Theo chuyên gia, cách tiếp cận của Việt Nam trong vấn đề an ninh biển là hoàn toàn đúng đắn và có sự trùng hợp với quan điểm chính thức của Nga. Đó là cần kết hợp các nỗ lực chung để đạt được tiến bộ theo hướng này, với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các cấu trúc khu vực như ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), đồng thời duy trì vai trò điều phối trung tâm của LHQ.
Nói về tiềm năng hợp tác Việt - Nga trong đảm bảo an ninh hàng hải, chuyên gia Học viện Ngoại giao Moskva cho rằng hợp tác song phương mang tính tổng thể và bao gồm rất nhiều lĩnh vực, từ trao đổi thông tin, tiến hành nghiên cứu, thám hiểm chung, hội thảo khoa học về sinh vật biển, đóng tàu, phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải và khai thác dầu khí ngoài khơi, cho đến hợp tác hải quân, tập trận cứu hộ cứu nạn trên biển...
Chuyên gia phân tích Vershinina điểm lại một số thành tựu nổi bật của hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực an ninh hàng hải thời gian qua, đồng thời khẳng định sự phối hợp song phương có đặc trưng phát triển năng động và vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.