Ngày 29-8, Taliban xác nhận thủ lĩnh tối cao của lực lượng này là Hibatullah Akhundzada đang ở Afghanistan. Nhân vật này chưa từng xuất hiện trước công chúng và nơi ở của người này cũng luôn là một ẩn số.
Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết: "Ông ấy hiện ở Kandahar. Ông ấy đã sống ở đó từ rất lâu rồi. Ông ấy sẽ sớm xuất hiện trước công chúng".
Akhundzada đã lãnh đạo lực lượng Taliban từ năm 2016. Có rất ít thông tin về vai trò thường ngày của ông Akhundzada đối với lực lượng Taliban, khi hồ sơ công khai của nhân vật này chỉ hạn chế ở việc công bố những thông điệp hằng năm trong những ngày lễ của người Hồi giáo. Akhundzada cũng chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan giữa tháng này.
Kandahar là nơi khởi nguồn của phong trào Hồi giáo Taliban trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Đây cũng là nơi người sáng lập lực lượng này - Mullah Mohammad Omar sống ẩn dật.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Sputnik (Nga) cho biết lực lượng Taliban ngày 29-8 đã bác bỏ ý tưởng thiết lập một "vùng an toàn" do Liên hợp quốc kiểm soát ở thủ đô Kabul, cho rằng việc này là không cần thiết.
Phát biểu trên kênh phát thanh France Inter, một người phát ngôn của Taliban - Suhail Shaheen - nêu rõ điều này là "không cần thiết" do "Afghanistan là một quốc gia độc lập". Tuy nhiên, người này cũng khẳng định Taliban ủng hộ ý tưởng đạt được thỏa thuận với "một số quốc gia" để giúp phong trào này khôi phục hoạt động của sân bay Kabul.
Trước đó một ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp và Anh sẽ có các cuộc đàm phán trong ngày 30-8 để thảo luận về việc thiết lập một "vùng an toàn" cho phép các hoạt động nhân đạo được tiếp tục.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các ngoại trưởng của một số nước "đối tác then chốt" sẽ họp trực tuyến vào ngày 30-8 để thảo luận các bước đi tiếp theo tại Afghanistan, trong bối cảnh chiến dịch di tản người khỏi quốc gia Tây Nam Á này đang bước vào những ngày cuối cùng.
Tuyên bố của bộ trên nêu rõ tham dự hội nghị do Mỹ đăng cai tổ chức dự kiến có các đại diện của Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Những người tham dự sẽ thảo luận về "một cách tiếp cận phù hợp cho những ngày và tuần tới".