Ông Kishida Fumio trở thành Thủ tướng Nhật Bản

23:50, 04/10/2021

Chiều 4-10 (giờ địa phương), hai viện của Quốc hội Nhật Bản chính thức bầu ông Kishida Fumio, tân Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng thứ 100 của nước này. Tân Thủ tướng Kishida Fumio cũng đã công bố danh sách nội các mới, với quyết tâm cải tổ, thúc đẩy một xã hội mới vì nhân dân.

Nội các mới của tân Thủ tướng Nhật Bản gồm 21 thành viên, trong đó có 3 nữ. Theo đó, ông Kishida giữ nguyên 2 vị trí trong nội các của người tiền nhiệm Suga Yoshihide là Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi. Thủ tướng Kishida cũng điều chuyển ông Koichi Hagiuda, Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ sang làm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.

Trong số các gương mặt mới, đáng chú ý, tân Thủ tướng Kishida bổ nhiệm ông Hirokazu Matsuno, người từng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ trong chính quyền của cựu Thủ tướng Abe Shinzo, làm Chánh văn phòng nội các. Đây là vị trí quan trọng thứ hai trong nội các, có nhiệm vụ điều phối chính sách giữa các bộ, ngành và là người phát ngôn cao nhất của chính phủ.

 Bên cạnh đó, ông Kishida cũng bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Môi trường Shunichi Suzuki làm Bộ trưởng Tài chính thay cho ông Taro Aso; bổ nhiệm ông Tetsuo Saito, Tổng thư ký Đảng Công minh-đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền-làm Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Kishida và nội các mới đã tuyên thệ nhậm chức.

Ông Kishida Fumio sinh ngày 29/7/1957 tại Tokyo. Năm 1993, lần đầu tiên ông trở thành ứng cử viên của Đảng LDP tham gia cuộc bầu cử hạ viện lần thứ 40 và trúng cử. Sau đó, ông trúng cử 9 kỳ bầu cử liên tiếp. Năm 2015, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao. Năm 2017, ông Kishida có khoảng thời gian ngắn làm Bộ trưởng Quốc phòng và sau đó nhận vị trí Trưởng ban Nghiên cứu chính sách của Đảng LDP. Tháng 9-2020, ông tham gia tranh cử chức Thủ tướng Nhật Bản khi ông Abe Shinzo từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, số phiếu mà ông giành được thấp hơn ông Suga Yoshihide khá nhiều.

Giới phân tích nhận định, sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Kishida sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức, đây cũng là những phép thử lớn đối với chính trị gia này trên cương vị mới. Thách thức lớn nhất trong ngắn hạn đối với ông Kishida là làm thế nào để giúp Đảng LDP giành đa số ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử dự kiến vào cuối tháng này.

 Đây sẽ là cuộc bầu cử rất khó khăn đối với LDP khi 4 đảng đối lập, gồm Đảng Dân chủ lập hiến Nhật Bản (CDPJ), Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), Đảng Dân chủ xã hội (SDP) và Đảng Reiwa Shinsengumi, đã liên kết để tìm cách vượt qua đảng cầm quyền. Hiện nay, LDP đang giữ 275 trong tổng số 465 ghế tại Hạ viện. Nếu LDP để mất thế đa số tại cơ quan lập pháp này, chặng đường sau đó của ông Kishida sẽ vô cùng khó khăn.

Mặt khác, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm thế nào để kiểm soát dịch bệnh và vực dậy nền kinh tế là những thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền của tân Thủ tướng Kishida. Để hỗ trợ nền kinh tế, trong chiến dịch tranh cử, ông Kishida đã kêu gọi soạn thảo gói kích thích kinh tế có trị giá hàng chục nghìn tỷ yên.

Trong trung hạn, ông Kishida sẽ phải đối mặt với một loạt bài toán hóc búa khác, như: Già hóa dân số, củng cố hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện cán cân thu-chi ngân sách để giảm tỷ lệ nợ công vốn đang đứng ở mức cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Đây là những vấn đề mà hai người tiền nhiệm của ông Kishida chưa thể giải quyết.

Trên mặt trận ngoại giao, thách thức lớn nhất đối với ông Kishida là làm thế nào để cân bằng quan hệ giữa Nhật Bản với các nước lớn. Chắc chắn ông Kishida sẽ phải nỗ lực duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc này đang ngày càng gay gắt.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dư luận Nhật Bản hy vọng ông Kishida có thể vượt qua các thách thức để giúp Nhật Bản không rơi vào vòng xoáy thay đổi lãnh đạo, đồng thời nâng cao vị thế của nước này trên trường quốc tế.