Sau nhiều năm trì hoãn, ngày 6-10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức phê chuẩn Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Với quyết định này, hiệp ước được hình thành từ năm 2015 với mục đích khống chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất đã được tất cả các nước thành viên Nhóm Các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phê chuẩn.
Tháng 4-2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, nhưng quốc hội nước này chưa phê chuẩn với lý do Thổ Nhĩ Kỳ không thể được xem là một quốc gia phát triển trong thỏa thuận, qua đó sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong thực thi các cam kết khi mà lâu nay, Ankara chỉ phát thải một lượng nhỏ khí thải carbon - yếu tố gây biến đổi khí hậu.
Tuyên bố được 353 nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thông qua nêu rõ quốc hội phê chuẩn thỏa thuận với tư cách là một nước đang phát triển và nước này sẽ thực thi các cam kết trong thỏa thuận với điều kiện không gây tổn hại tới quyền phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong danh sách nhóm các nước công nghiệp hóa Annex I của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Tuy nhiên, Ankara đã đề nghị Ban Thư ký UNFCCC đưa nước này khỏi danh sách nói trên.
Dự kiến, vấn đề này sẽ được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 26), dự kiến diễn ra từ 31-10 đến 12-11 tới, tại Glasgow (Anh). Nếu được đưa khỏi danh sách này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể được hưởng lợi từ hoạt động chuyển giao công nghệ, đầu tư và bảo hiểm theo điều khoản trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.