Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 13-10 kêu gọi các nước cam kết hợp tác để xây dựng một thế giới an toàn và bền vững hơn.
Trong thông điệp video nhân Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10), Tổng thư ký nhấn mạnh: “Sự yếu kém trong quản lý, đói nghèo gia tăng, mất đa dạng sinh học, sự sụp đổ của hệ sinh thái và việc đô thị hóa nhanh chóng không có quy hoạch là những nguyên nhân liên quan đến nhau dẫn đến nguy cơ xảy ra những thảm họa thiên nhiên”. Ông cảnh báo nếu không được giải quyết kịp thời, các vấn đề trên sẽ làm gia tăng cường độ cũng như tần suất các thảm họa và tăng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo, đồng thời cản trở nỗ lực toàn cầu đối phó với đại dịch COVID-19, thích ứng với biến đổi khí hậu và định hướng tốt hơn trong tương lai.
Tổng thư ký Guterres cho biết nếu cảnh báo một cơn bão hoặc một đợt không khí nóng trước 24 giờ có thể giảm 30% thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều nước có thu nhập thấp và trung bình hiện đang thiếu hệ thống cảnh báo sớm. Do vậy, khi thảm họa xảy ra, các nước này càng dễ bị tổn thương, dẫn đến những thành tựu phát triển trong hàng chục năm có thể bị xóa sạch trong khoảnh khắc.
Người đứng đầu LHQ kêu gọi hợp tác quốc tế và đoàn kết toàn cầu để giảm thiểu rủi ro thiên tai, trong đó có việc đảm bảo sự tiếp cận công bằng và bình đẳng với vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả mọi người trên thế giới; tăng kinh phí và hoạt động hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng năng lực phục hồi.
Ông nhấn mạnh việc xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống và sinh kế con người, cũng như đối với việc xóa đói nghèo và đạt các mục tiêu phát triển bền vững.
Cùng ngày, Điều phối viên của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) về quản lý rủi ro thiên tai tại Mỹ Latinh và vùng Caribbean, bà Anna Ricoy cảnh báo nông nghiệp là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu tại các khu vực trên.
Bà Ricoy nêu rõ: “Các hoạt động phòng ngừa ngắn hạn cần dựa trên nỗ lực xây dựng khả năng phục hồi dài hạn nhằm đẩy nhanh tiến độ và tối đa hóa nỗ lực, đồng thời hướng đến một hệ thống sản xuất nông sản hiệu quả, mang tính bao trùm, bền vững và có khả năng phục hồi tốt hơn”.
Theo FAO, các nhà sản xuất nông nghiệp tại các nước kém phát triển và các nước có thu nhập thấp và trung bình đã phải hứng chịu 26% tác động của các thảm họa quy mô vừa và lớn trên toàn cầu trong giai đoạn từ 2008 – 2018. Do đó, FAO đã hỗ trợ chính phủ các nước Paraguay, Colombia, Bolivia, El Salvador, Guatemala, Honduras và Saint Vincent và Grenadines sớm có hành động hoặc các biện pháp phòng ngừa trước khi thảm họa xảy ra, tập trung vào các hộ sản xuất nhỏ, phụ nữ, thanh thiếu niên và người bản xứ.
FAO cho rằng với mỗi USD đầu tư vào các hoạt động phòng ngừa, các hộ gia đình có thể nhận lại tới 7 USD nếu thiên tai được ngăn chặn, đồng thời cải thiện khả năng phục hồi lâu dài của hệ thống sản xuất.
Với quan điểm trên, FAO đang hỗ trợ các dự án khu vực nhằm giúp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời giúp các quốc gia tiếp cận nguồn tài chính từ Quỹ Khí hậu xanh (GCF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và các nguồn khác.