Theo trang tin của Viện Hải quân Mỹ USNI, sau nhiều tuần điều tra, Hải quân Mỹ xác định tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf Connecticut đã đâm phải một ngọn núi ngầm ở Biển Đông.
Lò phản ứng hạt nhân và hệ thống đẩy của tàu ngầm không bị ảnh hưởng sau vụ va chạm. Tuy nhiên, những hư hại ở phần thân trước của tàu, trong đó có bộ phận két dằn, buộc tàu Connecticut phải nổi lên mặt nước và di chuyển suốt một tuần về căn cứ ở đảo Guam để sửa chữa bước đầu.
Lực lượng này vẫn chưa thể xác định thời điểm tàu ngầm USS Connecticut có thể đủ điều kiện rời đảo Guam. 11 thủy thủ trên tàu đã bị thương, song không nguy hiểm đến tính mạng, trong vụ tai nạn.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần phàn nàn về việc Washington không cung cấp thông tin chi tiết về vụ va chạm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Mỹ cần giải thích lý do tại sao tàu ngầm hạt nhân lại được điều đến khu vực này và cung cấp các chi tiết về sự việc.
Sự cố xảy ra ngày 2-10 là vụ va chạm dưới nước đầu tiên liên quan đến một tàu ngầm của Mỹ kể từ năm 2005. Tại thời điểm đó, tàu ngầm tấn công hạt nhận San Francisco đã đâm trúng núi ngầm khi đang chạy hết tốc độ gần đảo Guam. Hậu quả, 1 thủy thủ trên tàu thiệt mạng và phần đông trong số 136 thành viên thủy thủ đoàn còn lại đều bị thương.
Theo tính toán của tổ chức Sáng kiến Tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) dựa trên dữ liệu vệ tinh cùng vị trí của các tàu chiến Mỹ khác trong khu vực, tàu Connecticut có thể đã gặp tai nạn tại vị trí phía Đông Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Tàu ngầm lớp Seawolf thuộc loại tàu ngầm tấn công tiên tiến nhất và đắt tiền nhất trong kho vũ khí của Hải quân Mỹ. Chỉ có ba tàu ngầm lớp Seawolf từng được sản xuất với đơn đặt hàng 26 tàu khác bị hủy bỏ vào những năm 1990 sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Các hệ thống đẩy hạt nhân của tàu ngầm làm cho sức chịu đựng của chúng hầu như không có giới hạn, ngoài nhu cầu đảm bảo thực phẩm và tiếp tế cho thủy thủ đoàn. Vũ khí trang bị trên tàu gồm ngư lôi Mark 48, tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa hành trình tấn công đất liền.