Mỹ, Pháp nỗ lực hàn gắn quan hệ đồng minh

22:13, 11/11/2021

Trong cuộc gặp mới nhất, các nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp tiếp tục nhất trí về tầm quan trọng của mối quan hệ song phương sau những căng thẳng ngoại giao vì quyết định bất ngờ của Washington thành lập liên minh an ninh 3 bên với Anh và Australia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AUKUS).

CNN đưa tin, trong khuôn khổ chuyến công du Pháp, ngày 10-11, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã hội kiến với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron tại Điện Élysée ở thủ đô Paris. Phát biểu tại sự kiện, Tổng thống Macron cho biết cuộc gặp giữa ông và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, diễn ra vào cuối tháng trước tại Rome (Italy) bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đã tạo tiền đề cho quan hệ giữa hai nước trong tương lai. “Hai bên có chung quan điểm rằng thế giới đã bắt đầu một kỷ nguyên mới và quan hệ hợp tác Pháp-Mỹ đóng vai trò then chốt trong thời kỳ này”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm trên, Phó tổng thống Mỹ cho rằng kỷ nguyên mới sẽ mang đến cả thách thức và cơ hội cho hai nước; đồng thời hy vọng hai nước tiếp tục duy trì hợp tác và khôi phục những trọng tâm trong quan hệ đối tác, dựa trên kết quả của cuộc hội đàm giữa hai tổng thống vừa qua. “Trong quá khứ, việc đồng hành trên chặng đường có cả khó khăn và thuận lợi giúp Mỹ và Pháp đều gặt hái được những thành công rất lớn”, bà Harris khẳng định.

Chuyến thăm Pháp lần này là chuyến công du nước ngoài thứ 3 của bà Harris trên cương vị Phó tổng thống Mỹ, đồng thời là bước đi mới nhất của chính quyền Washington nhằm tiếp tục xoa dịu mối quan hệ với một trong những đồng minh truyền thống quan trọng nhất tại châu Âu. Đầu tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã có chuyến thăm Paris và gặp song phương Tổng thống Macron với mục đích tương tự.

Tháng 9 vừa qua, Anh, Australia và Mỹ đã công bố thỏa thuận AUKUS, dẫn tới việc Canberra hủy “hợp đồng thế kỷ” mua tàu ngầm đã ký với Pháp trị giá hàng chục tỷ USD và thay bằng kế hoạch mua tàu ngầm hạt nhân sử dụng công nghệ của Washington và London. Chính quyền của Tổng thống Macron đã phản ứng khá gay gắt, bày tỏ thất vọng, gọi đây là “nhát dao đâm sau lưng” và thậm chí triệu hồi đại sứ của mình tại Washington và Canberra về nước để tham vấn. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước, Pháp triệu hồi đại sứ nước này tại Mỹ.

Cùng với quyết định của Mỹ rút quân vội vã khỏi Afghanistan vẫn đang để lại nhiều hệ lụy, việc Washington “đi đêm” với Canberra và London khiến Paris vuột mất hợp đồng mua bán tàu ngầm khiến niềm tin giữa hai đồng minh Pháp-Mỹ suy giảm nghiêm trọng. Chính Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian từng phải thốt lên rằng, việc đó đã ảnh hưởng đến quan niệm của nước này về các liên minh, quan hệ đối tác và tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với châu Âu.

Không chỉ vậy, “bài học” từ những quyết định có phần đơn phương, không thể dự đoán được của Mỹ trên đây đang ngày càng làm gia tăng mối hoài nghi tại Pháp và Liên minh châu Âu về khả năng bị đồng minh Washington gạt ra khỏi những kế hoạch then chốt bất cứ lúc nào trong tương lai.

Chắc chắn rằng gương vỡ thì không thể lành lại như cũ. Sự giận dữ của Pháp đối với các đồng minh và đối tác, nhất là với Mỹ, chưa thể hết hoàn toàn trong một sớm một chiều. Dẫu vậy, việc lãnh đạo hai nước thời gian qua đều có tuyên bố “tiếp tục tiến về phía trước” cũng như việc chính quyền Washington tìm mọi cách hạ nhiệt căng thẳng với Paris một lần nữa lại khẳng định mối quan hệ đồng minh không thể tách rời giữa Mỹ và Pháp.