Ngày 06-01, Nga cho biết sẽ tham vấn Kazakhstan và các nước đồng minh về các động thái tiếp theo nhằm hỗ trợ chiến dịch chống khủng bố tại Kazakhstan và giành lại các hạ tầng quan trọng.
Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi coi các sự kiện gần đây tại một quốc gia bạn hữu chính là âm mưu do các thế lực bên ngoài thúc đẩy nhằm hủy hoại an ninh và toàn vẹn của nhà nước bằng vũ lực, sử dụng các băng nhóm vũ trang có tổ chức và được huấn luyện".
Nga đã gửi binh sĩ đến Kazakhstan trong khuôn khổ lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) sau khi quốc gia Trung Á này phải chứng kiến làn sóng biểu tình rầm rộ nhất kể từ khi Liên Xô giải thể năm 1991.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh coi những gì đang xảy ra ở Kazakhstan là công việc nội bộ của quốc gia này, đồng thời bày tỏ hy vọng tình hình tại Kazakhstan sớm ổn định và trật tự được khôi phục.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Uông Văn Bân nói: "Chúng tôi tin tưởng chính quyền sẽ có thể giải quyết vấn đề một cách hợp lý. Trung Quốc hy vọng tình hình (Kazakhstan) sẽ ổn định càng sớm càng tốt và trật tự công cộng sẽ được khôi phục".
Trong phản ứng của mình, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các bên kiềm chế. Người phát ngôn của EU nhấn mạnh: "Bạo lực phải được chấm dứt. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tìm một giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay. EU sẵn sàng và mong muốn ủng hộ cuộc đối thoại tại Kazakhstan".
Hiện Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã ra lệnh thành lập một nhóm đặc biệt để điều tra các cuộc bạo động ở nước này và đưa những người phải chịu trách nhiệm ra trước công lý.
Theo Phủ Tổng thống, ông Tokayev đã đưa ra một số chỉ thị khẩn cho chính phủ và các lực lượng vũ trang, trong đó có việc ổn định giao thông công cộng, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng khả năng sẵn sàng tác chiến, trong bối cảnh các cuộc biểu tình tiếp diễn ở nhiều nơi trên cả nước. Tổng thống Tokayev nhấn mạnh cần khôi phục hoạt động ổn định của các ngân hàng và thể chế tài chính khác sau khi căng thẳng được giảm bớt. Ông cũng chỉ thị bảo vệ các phái bộ ngoại giao, các công ty và nhà đầu tư nước ngoài tại Kazakhstan.
Biểu tình bạo loạn đã leo thang ở nhiều khu vực của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Bất ổn an ninh đã buộc Tổng thống Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh, thành lớn của đất nước, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan. Trước tình hình bạo lực leo thang trong nước mà nguyên nhân được cho là do các phần tử khủng bố đứng đằng sau, Tổng thống Tokayev tối 05-01 đã phải yêu cầu sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên CSTO. Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho rằng các băng nhóm khủng bố hoạt động ở nước này đã được đào tạo ở nước ngoài và do đó có thể coi là khủng bố quốc tế.