Đáp lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Hãng thông tấn Nga TASS ngày 26-2 dẫn tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Nga có khả năng thực hiện các biện pháp để giảm thiệt hại từ các lệnh trừng phạt.
"Các biện pháp tức thời chắc chắn đang được thực hiện để giảm thiệt hại từ các lệnh trừng phạt và bảo đảm hoạt động không bị cản trở của tất cả các khu vực và hệ thống kinh tế... Nga có mọi khả năng và tiềm năng để làm điều đó”, ông Peskov nhấn mạnh.
Tiếp theo hàng loạt biện pháp trừng phạt đã đưa ra, mới đây Mỹ và các nước phương Tây đang tiếp tục xem xét việc loại Nga ra khỏi Hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT). SWIFT là hệ thống trung gian cho phép các ngân hàng và tổ chức trên khắp thế giới thực hiện thanh toán với nhau. Việc rút Nga ra khỏi hệ thống này đồng nghĩa với việc gần như tất cả hoạt động thanh toán quốc tế của Nga với các đối tác nước ngoài bị đình trệ. Chỉ riêng với EU, tổng thương mại hàng hóa giữa EU và Nga năm 2020 lên tới 174,3 tỷ euro.
Theo Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, các lệnh trừng phạt hiện nay chống lại Nga có thể là lý do để Moscow xem xét lại quan hệ với tất cả các nước áp đặt trừng phạt. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Vkontakte, ông Medvedev viết: "Các lệnh trừng phạt là lý do rõ ràng để xem xét lại toàn bộ quan hệ với những nước đã áp đặt trừng phạt và dừng đối thoại về sự ổn định chiến lược".
Ông cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp hạn chế này sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, kể cả quyết định của Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở vùng Donbass. Ông Medvedev khẳng định chiến dịch này sẽ được thực hiện đầy đủ cho đến khi đạt kết quả cuối cùng. Theo ông, phương Tây cũng đang đe dọa phong tỏa tài sản của các công dân và công ty của Nga ở nước ngoài, điều này sẽ chỉ dẫn đến một sự đáp trả tương ứng, cụ thể Nga sẽ tiến hành phong tỏa tài sản của người nước ngoài và công ty nước ngoài tại Nga.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố các lệnh trừng phạt chống lại Nga có thể là lý do để Moscow xem xét lại quan hệ với tất cả các nước áp đặt trừng phạt.
Trong một diễn biến khác, ngày 26-2, hãng tin Nga RIA Novosti dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tạm dừng chiến dịch hoạt động quân sự tại khu vực miền Đông Ukraine trong khi chờ đàm phán, song Kiev đã từ chối.
“Vì phía Ukraine về cơ bản từ chối đàm phán nên cuộc tiến công của các lực lượng chính của Nga đã tiếp tục vào chiều nay (26-2) theo đúng kế hoạch tác chiến", ông Peskov cho hay. Trước đó, hãng tin Sputniknews đưa tin Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko xác nhận ông sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho Moscow và Kiev tiến hành đàm phán để ngăn chặn chiến tranh. Nhà lãnh đạo Belarus nêu rõ đàm phán có thể diễn ra ở "bất cứ đâu" tại thủ đô Minsk, kể cả ở tư dinh của tổng thống.
Ở chiều ngược lại, Kiev đã lên tiếng bác bỏ thông tin từ chối đàm phán với Nga, nhưng cho biết Ukraine chưa sẵn sàng chấp nhận tối hậu thư cũng như các điều kiện đàm phán không thực tế do Moscow đưa ra, Reuters dẫn lời ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ngày 26-2, chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine do Nga triển khai đã bước sang ngày thứ ba. RIA Novosti dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho hay, quân đội Nga đã thiết lập toàn quyền kiểm soát đối với thành phố Melitopol ở phía Đông Nam Ukraine.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Thủ đô Kiev và các thành phố chính vẫn trong quyền kiểm soát của Ukraine. "Chúng tôi đã giữ vững. Giao tranh đang tiếp diễn", ông Zelensky khẳng định trong một video đăng tải trên Twitter, đồng thời nói rõ ông sẽ không rời khỏi Kiev.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 26-2 thông báo Mỹ cung cấp khoản viện trợ trị giá 350 triệu USD bổ sung trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Blinken không nêu cụ thể các trang thiết bị viện trợ. Mỹ cũng tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Nga V.Putin và Ngoại trưởng Nga Lavrov, liên quan đến tình hình căng thẳng hiện nay tại Ukraine.
Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki, lệnh cấm đi lại sẽ là một phần trong các biện pháp trừng phạt này. Trước đó, EU, Anh và Canada cũng thông báo về các lệnh trừng phạt tương tự nhằm vào Nga. Về phía Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố NATO đang triển khai hàng nghìn binh sĩ sẵn sàng chiến đấu tới các nước láng giềng của Ukraine, cũng như tiếp tục gửi vũ khí đến Ukraine. Số binh sĩ này thuộc các thành phần của lực lượng phản ứng nhanh-bao gồm các lực lượng trên bộ, trên không, trên biển và các lực lượng hoạt động đặc biệt trên lãnh thổ đồng minh.
Đáp lại những diễn biến trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các lệnh trừng phạt trên "là minh chứng về sự bất lực hoàn toàn trong chính sách đối ngoại" của phương Tây, đồng thời cảnh báo rằng sự việc "đã gần tới mức không thể quay lại như lúc đầu".