Theo Hãng tin TASS của Nga, ngày 8/3, quân đội Nga thực thi “cơ chế im lặng” (lệnh ngừng bắn) để tạo điều kiện sơ tán dân thường theo các hành lang nhân đạo được mở tại thủ đô Kiev và bốn thành phố khác của Ukraine gồm Cherhihiv, Sumy, Kharkov và Mariupol.
Trong khi đó, thông báo trên truyền hình, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết, trong ngày 8/3, người dân bắt đầu rời thành phố Sumy.
Ngày 7/3, Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết, các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã không đạt những kết quả đáng kể trong vòng đàm phán thứ 3 tại Belarus nhưng đã tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan hoạt động sơ tán dân thường.
Nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak cũng cho biết, hai bên đã đạt được một vài tiến triển nhỏ về hoạt động hậu cần sơ tán dân thường, song không có thỏa thuận nào có thể cải thiện đáng kể tình hình chung.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc tiếp tục nỗ lực đàm phán với nhiều quan chức các cấp của cả Nga và Ukraine nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột. Hiện các quan chức Liên hợp quốc cũng đang đàm phán với giới chức Bộ Quốc phòng Nga để điều phối và hỗ trợ các hoạt động nhân đạo tại Ukraine.
Phía Nga nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ hơn và chia sẻ thông tin nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa quân đội và dân sự trong lĩnh vực nhân đạo, bảo đảm những người trong hoàn cảnh khó khăn nhất nhận được sự hỗ trợ nhân đạo nhanh chóng.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo, Bộ trưởng Ngoại giao nước này và những người đồng cấp từ Mexico, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia (còn gọi là nhóm MIKTA) đã tham dự hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận về tình hình Ukraine cũng như nỗ lực vì một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.
Hàn Quốc cho biết sẽ cung cấp hàng y tế khẩn cấp cho Ukraine ngay trong tuần này để giúp những người gặp khó khăn.
Các nhóm cứu trợ nhân đạo tại Hà Lan huy động được 106,2 triệu euro để hỗ trợ các nạn nhân cuộc xung đột tại Ukraine. Tuyên bố trên trang web của 11 tổ chức nhân đạo, bao gồm Hội Chữ thập đỏ và Văn phòng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Hà Lan, cho biết số tiền quyên góp được sẽ giúp hàng triệu người dân Ukraine, trong đó có 7,5 triệu trẻ em, có được sự hỗ trợ khẩn cấp. Số tiền quyên góp trên bao gồm 15 triệu euro của Chính phủ Hà Lan.
Ngày 7/3, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, có thể sẽ có khoảng 5 triệu người từ Ukraine sơ tán sang các nước EU nếu chiến sự tiếp diễn.
Ông Borrell lưu ý các quốc gia châu Âu cần chuẩn bị mở các quỹ để giúp những người tị nạn. Ủy ban châu Âu đã công bố khoản viện trợ bổ sung 500 triệu euro hỗ trợ hoạt động nhân đạo tại Ukraine.
Chính phủ Ba Lan đề xuất một dự luật tạo điều kiện thuận lợi cho người tị nạn Ukraine ở lại nước này. Dự luật này, vẫn cần được Quốc hội thông qua, sẽ cho phép công dân Ukraine được ở lại một cách hợp pháp tại Ba Lan trong vòng 18 tháng và gia hạn giấy phép của họ thêm 18 tháng nữa.
Ngoài ra, Chính phủ Ba Lan cũng đề xuất viện trợ tài chính cho người tị nạn, các gia đình tiếp nhận người tị nạn và chính quyền các địa phương hỗ trợ người Ukraine.
Thủ tướng Anh tuyên bố Chính phủ nước này cam kết viện trợ thêm 175 triệu bảng cho Ukraine để hỗ trợ Kiev đối phó cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một gia tăng, trong đó 100 triệu bảng sẽ được cung cấp trực tiếp cho Chính phủ Ukraine. Khoản viện trợ bổ sung này nâng viện trợ của Anh cho Ukraine lên mức 400 triệu bảng.
Bộ Nhập cư Israel cho biết, những người Ukraine sơ tán tới Israel sẽ được coi là người nhập cư từ vùng có chiến sự và được nhà nước bổ sung trợ cấp tài chính. Theo đó, những người nhập cư từ Ukraine sẽ được cấp quy chế đặc biệt cho phép họ được nhận một lần khoảng 1.800 USD hoặc khoảng 3.350 USD/cặp đôi hay khoảng 4.580 USD/gia đình. Khoản tiền này nằm ngoài khoản trợ cấp đầu tiên cho mỗi người nhập cư tới Israel.