Trung Quốc phản đối đề xuất loại Nga khỏi G20

09:50, 24/03/2022

Chính quyền Bắc Kinh khẳng định Nga là một thành viên quan trọng của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đồng thời bác bỏ đề xuất của một số nước về việc có thể loại Moscow khỏi nhóm này.

AFP đưa tin, trong một cuộc họp báo ngày 23-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: Nga đóng vai trò quan trọng trong G20 và không thể bị loại khỏi nhóm bởi bất cứ quốc gia nào. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nguồn tin cho biết Mỹ và các nước phương Tây đang đánh giá về tư cách thành viên của Nga trong G20 sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. “G20 là diễn đàn quan trọng đối với hợp tác kinh tế quốc tế. Nga là một phần quan trọng của diễn đàn này và không thành viên G20 nào có quyền tước tư cách thành viên của một nước khác”, AFP dẫn lời ông Uông Văn Bân.

Cùng ngày, Reuters cho biết Đại sứ Nga tại Indonesia Lyudmila Vorobieva cũng thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin dự định sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali, Indonesia vào cuối năm nay. Đại sứ Vorobieva đồng thời cũng khẳng định đây là diễn đàn thảo luận các vấn đề kinh tế chứ không phải thảo luận các cuộc khủng hoảng như ở Ukraine. Theo bà, việc loại Nga khỏi diễn đàn kiểu này sẽ không giúp giải quyết các vấn đề kinh tế.

Trong một diễn biến có liên quan, theo kế hoạch, tối 23-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lloyd Austin đã đến Brussels (Bỉ), nơi đặt trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), để họp với lãnh đạo các nước thành viên. Chương trình nghị sự Hội nghị được cho là về tình hình hiện nay tại Ukraine, cân nhắc các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine cũng như xem xét siết chặt các biện pháp hiện có. Dự kiến, Tổng thống Mỹ còn công bố những khoản đóng góp bổ sung cho chính quyền Kiev.

Về tình hình mới nhất trên thực địa, hãng thông tấn TASS trích dẫn thông báo từ Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, ngày 23-3, cho biết các lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy kho chứa một lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự của Ukraine, bao gồm cả những khí tài do phương Tây viện trợ, nằm ở khu định cư Orzhev, cách thành phố Rovno 14km về phía tây bắc bằng vũ khí chính xác cao tầm xa từ ngoài biển vào.

Cũng theo ông Konashenkov, từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tới nay, Nga đã phá hủy 184 máy bay và trực thăng, 246 phương tiện bay không người lái, 189 hệ thống phòng không, 1.558 xe tăng và xe thiết giáp, 158 hệ thống phóng rocket đa nòng, 624 pháo và súng cối cùng 1.354 xe quân sự đặc chủng của quân đội Ukraine.

Một ngày trước đó, trả lời phỏng vấn CNN, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov một lần nữa nhấn mạnh chiếm đóng Ukraine không phải là mục tiêu của Nga, đồng thời nhấn mạnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine đang diễn ra theo đúng nhiệm vụ và kế hoạch đã đề ra từ đầu.

Liên quan đến việc Nga cung cấp nhiên liệu cho châu Âu, ngày 23-3, theo Bloomberg, phát biểu trước Quốc hội Liên bang Đức, Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định Nga sẽ tiếp tục là nhà cung cấp năng lượng quan trọng của nước này trong thời gian tới.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cũng tuyên bố chính phủ quốc gia Trung Âu này không ủng hộ bất kỳ các lệnh trừng phạt nào nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, bởi điều này sẽ đe dọa đến an ninh năng lượng của Hungary.

Ngược lại, CNN cho biết Tập đoàn TotalEnergies của Pháp thông báo đơn phương không ký kết hoặc gia hạn hợp đồng mua dầu và các sản phẩm xăng dầu của Nga, hướng tới mục tiêu chấm dứt mọi hoạt động này muộn nhất là vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 vẫn ở mức dương bất chấp cuộc xung đột tại Ukraine đang diễn ra, dù một số nước kinh tế yếu có thể rơi vào suy thoái. Phát biểu tại tại một diễn đàn của Tạp chí Foreign Policy, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định nhiều nước đang phát triển sẽ bị tác động nặng nề và việc các nước phát triển tăng lãi suất sẽ khiến những điều kiện tài chính bị siết chặt.

Người đứng đầu IMF còn cho biết định chế tài chính này sẽ điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay vào tháng 4 tới (so với mức 4,4% đưa ra hồi đầu tháng 1 vừa qua) trong bối cảnh giá năng lượng và lương thực tăng cao kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt hà khắc mà Mỹ và phương Tây áp đặt với Moscow.