Tại phiên thảo luận ngày 22/3, về các chủ đề khẩn cấp, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 144 đang diễn ra tại Indonesia, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tái khẳng định rằng, hòa bình và hợp tác luôn là ưu tiên và mục tiêu hàng đầu của Việt Nam, cũng là tôn chỉ, mục đích cao cả của IPU ngay từ những ngày đầu thành lập cách đây 133 năm.
Đại diện Việt Nam nhấn mạnh, mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bình đẳng chủ quyền, tôn trọng độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, Việt Nam bày tỏ lo ngại và kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh. Việt Nam ghi nhận những nỗ lực đàm phán giữa các bên và mong rằng các bên bảo vệ an toàn, an ninh của người dân, cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.
Trước đó, tại Diễn đàn nữ nghị sĩ trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU lần thứ 144, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học trực tuyến để bảo đảm mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và học sinh, vừa bảo đảm việc dạy và học liên tục. Trước thách thức ngày càng tăng, Việt Nam cho rằng, cần có các chính sách bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của nữ giới; nâng cao nhận thức về những rủi ro đối với trẻ em gái tham gia các hoạt động trực tuyến, thu hẹp khoảng cách số về giới và nâng cao nhận thức, thông tin để giảm thiểu định kiến tiêu cực về giới. Các đại biểu quốc tế đánh giá cao ý kiến của đại biểu Việt Nam, góp phần hoàn thiện bức tranh tổng thể về tác động của Covid-19 đối với đời sống thể chất và tinh thần của phụ nữ và trẻ em gái.
Tại Diễn đàn nghị sĩ trẻ, đại biểu Việt Nam nêu bật vai trò, đóng góp của giới trẻ thúc đẩy các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời chia sẻ về những thách thức đối với thanh niên trong hành động vì khí hậu, như hạn chế về tài chính, trình độ công nghệ, năng lực và kỹ năng chung. Đại biểu Việt Nam đề xuất các nước tăng cường sự tham gia, ghi nhận sáng kiến của thanh niên trong thực hiện chính sách ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường hoạt động của nghị viện trong lập pháp, giám sát, phân bổ ngân sách bảo đảm nguồn lực để khuyến khích vai trò, sự tham gia của thanh niên trong hành động ứng phó biến đổi khí hậu.