Hội đồng Hiến pháp Pháp vừa xác nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Theo đó, ông Emmanuel Macron chính thức tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Trong những tháng tới, ông Emmanuel Macron sẽ phải giải quyết nhiều hồ sơ quan trọng cả về đối nội và đối ngoại.
Ông Laurent Fabius, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp - cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc giám sát thực thi Hiến pháp tại Pháp, cho biết: Ngày 27/4, Hội đồng Lập hiến tuyên bố ông Emmanuel Macron được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Pháp.
Trong số 48.752.339 cử tri đăng ký đi bầu, có 35.096.478 cử tri đi bỏ phiếu trong vòng hai. Tỷ lệ cử tri không đi bầu là 28,01%, mức cao thứ hai trong lịch bầu cử của Nền Cộng hòa thứ 5 ở Pháp. Tỷ lệ không đi bầu ở mức kỷ lục được ghi nhận vào năm 1969, lên tới 31%.
Ông Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trong vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra vào ngày 24/4 với 58,6% số phiếu bầu, trong khi bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia Marine Le Pen có 41,4% số phiếu.
Ông Laurent Fabius cũng cho biết, Hội đồng Hiến pháp đã xem xét các điểm bất thường tại 48 điểm bỏ phiếu và đã quyết định hủy 20.594 phiếu không hợp lệ, tương đương 0,06% tổng số phiếu của các cử tri đã đi bầu.
Trong lịch sử nền Cộng hòa thứ 5 nước Pháp, trải qua 8 đời Tổng thống, ông Emmanuel Macron là Tổng thống Pháp thứ 3 tái cử nhiệm kỳ 2, sau các ông Francois Mitterand (từ 1981 đến 1995) và Jacques Chirac (từ 1995 đến 2007) nhưng lại là vị Tổng thống đầu tiên tái cử mà không trong tình trạng phải “chung sống chính trị.” Trước đó vào năm 1995, ông François Mitterand có Thủ tướng là ông Jacques Chirac của cánh hữu. Tới năm 2002, ông Jacques Chirac có Thủ tướng là ông Lionel Jospin của đảng Xã hội.
Theo luật của Pháp, lễ nhậm chức sẽ được tổ chức trước ngày 13/5.
Việc chính thức công nhận kết quả bầu cử mở đường cho Tổng thống tái đắc cử Emamanuel Macron tiến hành các cải tổ nội các mạnh mẽ trong những ngày tới, bắt đầu bằng việc chọn người giữ chức Thủ tướng mới của Pháp thay cho ông Jean Castex.
Thủ tướng Pháp Jean Castex sẽ đệ đơn từ chức của ông và toàn bộ chính phủ Pháp trong tuần này, mở đường cho việc chỉ định một chính phủ mới trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Emmanuel Macron.
Tiếp theo cuộc bầu cử tổng thống là bầu cử Quốc hội ở Pháp, sẽ được tổ chức hai vòng vào ngày 12/6 và ngày 19/6 để quyết định đảng phái nào nắm đa số trong số 577 ghế tại Quốc hội. Bầu cử Quốc hội được xem như là vòng ba bầu cử tổng thống và sẽ là thách thức rất lớn đối với ông Emmanuel Macron.
Nếu đảng của ông Emamnuel Macron tiếp tục chiến thắng, ông sẽ có nhiều thuận lợi trong việc chỉ định một chính phủ mới và thông qua các dự luật.
Nếu một đảng khác giành được đa số ghế tại Quốc hội, ông Emamnuel Macron sẽ phải “chung sống chính trị" và phải bổ nhiệm một thủ tướng từ đảng đối lập lên nắm chính phủ.
Ngày 27/4, ông Emmanuel Macron đã xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng sau khi tái đắc cử, đi thăm một khu chợ ở thành phố Cergy, một khu vực dân cư nghèo ở ngoại ô phía Tây Bắc thủ đô Paris. Tại đây, ông tuyên bố sẽ ban hành một loạt các chính sách nhằm hỗ trợ người nghèo trong lĩnh vực việc làm, nhà ở và an sinh xã hội. Tổng thống Pháp cũng thừa nhận, tỷ lệ cử tri Pháp vắng mặt ở mức cao trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua là một lời cảnh báo về sự bất mãn của người dân.