Nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ - căn bệnh trầm kha

14:29, 14/04/2022

Những vụ xả súng liên tiếp xảy ra trong tuần qua tại Mỹ cho thấy, bạo lực súng đạn vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân "xứ cờ hoa". Trong nỗ lực giảm những vụ việc đau lòng do súng đạn, Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) vừa công bố những quy định mới nhằm xóa sổ nạn "súng ma".

6 người thiệt mạng và 12 người bị thương trong vụ xả súng tại trung tâm thành phố Sacramento, bang California hôm 3-4. Chỉ ít ngày sau đó, hai người chết và 10 người bị thương trong vụ nổ súng tại hộp đêm ở bang Iowa; 18 người bị bắn, trong đó năm người thiệt mạng tại thành phố New Orleans, bang Louisiana. Mới nhất, hơn 20 người bị thương trong vụ xả súng tại ga tàu điện ngầm ở thành phố New York vào giờ cao điểm ngày 12-4.

Hàng loạt vụ nổ súng dẫn đến cái chết thương tâm của nhiều người dân vô tội diễn ra tại Mỹ trong những ngày gần đây, song đây không phải câu chuyện mới. Bạo lực súng đạn là vấn đề nhức nhối tại "xứ cờ hoa" trong nhiều năm qua. Everytown for Gun Safety, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, vừa công bố báo cáo cho thấy, thương vong do bạo lực súng đạn trên đường phố Mỹ tăng báo động. Theo đó, năm 2021, trung bình cứ 17 giờ lại có một người bị bắn trên đường phố Mỹ, tăng hơn 200% so mức năm 2016. Trong khi đó, tổ chức Gun Violence Archive cho biết, năm 2021, Mỹ ghi nhận 20.726 trường hợp tử vong vì súng, không tính các vụ tự sát.

Những con số biết nói nêu trên đã phủ thêm những gam màu tối lên bức tranh bạo lực súng đạn tại Mỹ, đồng thời đặt ra những thách thức lớn cho chính quyền Tổng thống Joe Biden. Kiểm soát súng đạn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối nội của Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Kể từ khi nhậm chức, ông Joe Biden đã thúc đẩy những bước đi mạnh mẽ nhằm siết chặt quản lý súng đạn.

Trong nỗ lực mới nhất, Tổng thống Joe Biden bổ sung quy định nhằm "khai tử nạn súng ma". Đây là loại vũ khí có thể được mua dưới dạng bộ dụng cụ để lắp ráp tại nhà và không có số series theo dõi nên các cơ quan chức năng rất khó truy vết nguồn gốc. Nhà trắng cho biết, ngày càng có nhiều "súng ma" xuất hiện tại hiện trường các vụ phạm tội.

Năm 2021, cơ quan thực thi pháp luật Mỹ thu hồi khoảng 20.000 khẩu súng loại này trong các cuộc điều tra tội phạm, tăng gấp 10 lần so năm 2016. Quy định mới sẽ tìm cách bịt "lỗ hổng" trong quản lý súng bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất bộ dụng cụ "súng ma" có giấy phép liên bang và ghi rõ số series trên các thành phần cấu tạo vũ khí. Ngoài ra, các đại lý cũng cần kiểm tra và lưu trữ hồ sơ người mua. Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland (M.Ga-len) khẳng định, quy định này giúp bảo đảm các cơ quan chức năng có thể truy xuất thông tin mà họ cần nhằm giải quyết các vụ phạm tội, đồng thời góp phần giảm số lượng vũ khí không thể theo dõi đang tràn lan trong cộng đồng.

Quy định nêu trên nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân và nhiều tổ chức tại Mỹ. Đại diện Everytown for Gun Safety nhấn mạnh, bước đi mới của Tổng thống Joe Biden được kỳ vọng sẽ siết chặt kiểm soát loại vũ khí nguy hiểm này, từ đó hạ nhiệt nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ. Tuy nhiên, quy định nêu trên cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ những người ủng hộ sử dụng súng. Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) từng tuyên bố sẽ chống lại mọi biện pháp kiểm soát súng đạn.

Mỹ là một trong số ít quốc gia trên thế giới quy định quyền sở hữu súng trong Hiến pháp, song siết chặt quản lý súng là một trong những chủ đề gây chia rẽ sâu sắc tại chính trường Mỹ nhiều năm qua. Do có quan điểm trái ngược, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể tìm được tiếng nói chung trong việc thúc đẩy các chính sách về vấn đề này. Hơn nữa, ngành sản xuất và kinh doanh súng đạn mang lại lợi nhuận khổng lồ mỗi năm. Do vậy, các nhóm vận động tại Mỹ, trong đó có NRA, với tiềm lực tài chính mạnh, thường không chịu ngồi yên khi các biện pháp quản lý súng ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của họ. Đây là lý do khiến qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, các dự luật về kiểm soát súng đạn "năm lần bảy lượt" không thể cán đích.

Những vụ xả súng liên tiếp mới nhất một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ. "Căn bệnh trầm kha" này tiếp tục đặt ra thách thức lớn đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc tìm ra phương thức hữu hiệu để sớm bịt những "lỗ hổng" trong quản lý súng đạn, đưa nước Mỹ thoát khỏi nỗi ám ảnh kéo dài nhiều năm qua.