Nhật Bản chi 48 tỷ USD để giảm thiểu tác động của giá cả leo thang

18:11, 26/04/2022

Trong gói kích thích kinh tế 6.200 tỷ yen (48 tỷ USD), Nhật Bản dự kiến chi 1.500 tỷ yen để tăng trợ giá cho các nhà nhập khẩu và khoảng 1.300 tỷ yen để hỗ trợ các hộ gia đình đang gặp khó khăn.  

Ngày 26/4, chính phủ Nhật Bản đã soạn thảo gói kích thích kinh tế khẩn cấp trị giá 6.200 tỷ yen (48 tỷ USD) để giảm thiểu tác động của tình trạng giá cả hàng hóa leo thang tới nền kinh tế nước này.

Gói kích thích kinh tế mới được soạn thảo trong bối cảnh giá nhiên liệu, lương thực và nhiều mặt hàng khác đang tăng nhanh ở Nhật Bản, chủ yếu do tác động của xung đột quân sự Nga-Ukraine và sự gián đoạn của nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu cùng với việc đồng yen mất giá so với đồng bạc xanh của Mỹ.

Nhiều người lo ngại điều này có thể tác động tiêu cực tới chi tiêu dùng cá nhân - một trong hai trụ cột tăng trưởng chính của Nhật Bản, từ đó có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Theo hãng tin Kyodo, các trụ cột của gói kích thích kinh tế khẩn cấp này gồm: kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu và lương thực ổn định, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hỗ trợ cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn.

Cụ thể, chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ chi 1.500 tỷ yen để tăng mức trợ giá tối đa cho các nhà nhập khẩu và phân phối nhiên liệu trong nước từ 25 yen/lít hiện nay lên 35 yen/lít để giảm giá bán lẻ xăng dầu, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chương trình này.

Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ chi khoảng 1.300 tỷ yen để hỗ trợ cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn, trong đó có khoảng 200 tỷ yen được sử dụng để trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ gia đình thu nhập thấp có con chưa tới tuổi thành niên (bao gồm cả các gia đình đơn thân) với mức trợ cấp 50.000 yen/trẻ.

Mặt khác, Nhật Bản sẽ chi 1.300 tỷ yen để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn vì giá cả hàng hóa leo thang và dịch bệnh. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ gia hạn chương trình cung cấp các khoản vay không lãi suất và không cần tài sản thế chấp hiện nay cho tới cuối tháng 9/2022.

Ngoài ra, hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết chính phủ Nhật Bản còn chi 500 tỷ yen để thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng, nguyên vật liệu thô và lương thực ổn định.

Để tài trợ cho gói kích thích kinh tế mới, chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ sử dụng 1.500 tỷ yen từ quỹ dự phòng cho các khoản chi khẩn cấp trong tài khóa 2022, khoảng 2.000 tỷ yen từ ngân sách của tài khóa 2022 và các nguồn khác, cùng với 2.700 tỷ yen từ ngân sách bổ sung sẽ được soạn thảo trong một vài tuần tới.

Trước đó, liên minh cầm quyền đã đạt được đồng thuận về việc xây dựng dự thảo ngân sách bổ sung của tài khóa 2022 và dự kiến sẽ trình văn bản này lên quốc hội vào cuối tháng Năm để thông qua trong kỳ họp thường niên hiện nay.