Sau Indonesia và Việt Nam, Thái Lan là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm Đông Nam Á vừa qua của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ki-si-đa Phư-mi-ô). Tăng cường hợp tác song phương, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế là những nội dung được Thủ tướng Kishida Fumio thúc đẩy trong chuyến thăm lần này.
Về hợp tác song phương, Thủ tướng Nhật Bản và các nhà lãnh đạo ba nước Đông Nam Á đều khẳng định tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Việt Nam và Nhật Bản nhất trí đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế hậu dịch Covid-19, sớm thống nhất và triển khai hiệu quả chương trình vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) thế hệ mới cho các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược, hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu... Nhấn mạnh dấu mốc Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023, hai bên cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Trong khi đó, Thái Lan và Nhật Bản nhất trí thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế của hai nước; đồng thời tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhằm ứng phó đại dịch, cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Một trong những kết quả nổi bật trong chuyến thăm Đông Nam Á của Thủ tướng Kishida Fumio là việc Nhật Bản và Thái Lan nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và bao trùm, đúng dịp Kỷ niệm 135 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều này khẳng định sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng chặt chẽ hơn của quan hệ Nhật Bản-Thái Lan.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng Nhật Bản và các nhà lãnh đạo ba nước Đông Nam Á đều nhất trí phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, cũng như trong ứng phó các vấn đề an ninh phi truyền thống và tăng cường liên kết khu vực. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Indonesia là Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2022, Thủ tướng Kishida Fumio cam kết phối hợp tổ chức thành công hội nghị cấp cao G20 vào cuối năm nay. Nhật Bản và Indonesia cũng khẳng định tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, phía Nhật Bản, cũng như các nước Đông Nam Á đều khẳng định lại quyết tâm phát triển tiểu vùng Mê Công, trong đó có thúc đẩy kết nối, phát triển nguồn nhân lực và phát triển bền vững trong khuôn khổ hợp tác Mê Công-Nhật Bản.
Trong cuộc hội đàm tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Kishida Fumio khẳng định tăng cường phối hợp ứng phó các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam và Nhật Bản cũng khẳng định phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này.
Sau nhiệm kỳ 2018-2021 thành công của Việt Nam, Thái Lan hiện đảm nhiệm vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2021-2024. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (Pray-út Chan-ô-cha) khẳng định lại cam kết tăng cường hợp tác ASEAN-Nhật Bản trên mọi phương diện, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Giô-cô Uy-đô-đô) cũng khẳng định, Indonesia và các nước ASEAN sẵn sàng hợp tác với các đối tác, trong đó có Nhật Bản, ở các lĩnh vực như hàng hải, thương mại, đầu tư…, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Chuyến thăm của Thủ tướng Kishida Fumio diễn ra vào thời điểm ASEAN và Nhật Bản chuẩn bị Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ đối tác vào năm 2023. Nhật Bản có kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Nhật Bản tại nước này vào năm tới nhằm kỷ niệm dấu mốc quan trọng này; đồng thời góp phần duy trì đà hợp tác và đưa quan hệ hai bên bước sang một trang mới.