Ban lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30-5 đã quyết định thành lập một ủy ban mới để giúp tăng cường khả năng ứng phó đối với các trường hợp khẩn cấp về y tế tương tự như đại dịch COVID-19.
Theo quyết định được thông qua tại cuộc họp thường niên của ban lãnh đạo WHO gồm 34 thành viên, tổ chức này sẽ thành lập Ban Thường trực về ứng phó, sẵn sàng và ngăn ngừa tình trạng khẩn cấp về y tế nhằm giúp khắc phục những thiếu sót của cơ quan y tế thuộc Liên hợp quốc này.
Các cuộc họp chính thức của WHO đôi khi cách nhau tới vài tháng. Tuy nhiên, quyết định trên sẽ cho phép ủy ban mới nhóm họp ngay sau khi Tổng giám đốc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu (PHEIC) - một quyết định kích hoạt việc kêu gọi thêm tài trợ, các biện pháp y tế công cộng và một loạt các khuyến nghị nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
WHO đã phải đối mặt với những lời chỉ trích trong việc xử lý đại dịch COVID-19 như phản ứng chậm đối với các ca lây nhiễm ban đầu dẫn đến hạn chế trong việc phát hiện dịch bệnh và khiến cho virus lây lan.
Một số chuyên gia về dịch bệnh cho rằng WHO và các chính phủ phải tránh lặp lại những sai lầm như vậy trong các đợt bùng phát dịch bệnh khác, ví dụ như bệnh đậu mùa khỉ hiện nay.
Chuyên gia của Áo, Clemens Martin Auer, người đề xuất thành lập ủy ban trên, cho rằng đây có thể là một trong những điểm yếu nhất trong đại dịch COVID-19 vừa qua mà các quốc gia thành viên hoặc cơ quan quản lý không có cơ hội tham vấn ngay sau khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch.
Theo chuyên gia này, ủy ban mới của WHO cũng sẽ tiến hành giám sát chương trình y tế khẩn cấp trong điều kiện bình thường để bảo đảm có phản ứng phù hợp.
Ông Martin Auer nhận định ban thường trực sẽ là một phần không thể thiếu trong cấu trúc toàn cầu mới về tình trạng khẩn cấp y tế. Trong số những nhà tài trợ cho sáng kiến này có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Nhật Bản.