Theo The Washington Post, sau bữa tiệc sinh nhật lần thứ 22, đến nửa đêm, Sonny Alaniz, sinh viên ngành điều dưỡng, lái xe chở 7 người bạn của mình về nhà.
Thật không may, chiếc ô tô của anh bỗng lịm dần rồi tắt máy trên con đường nông thôn hẻo lánh ở bang Texas, Mỹ. Đèn báo hết xăng. Họ chẳng còn cách nào khác ngoài việc ra khỏi xe và đẩy. Cả nhóm đẩy xe suốt 5km trước khi có đội hỗ trợ mang xăng tới. Sau đó, ô tô vẫn không nổ máy. Cuối cùng, họ phải gọi cứu hộ để cẩu ô tô đi. “Lần sau chắc tôi chỉ ở nhà thôi”, anh Alaniz than thở.
Trong khi đó, Alina Hille chưa từng rơi vào cảnh hết xăng giữa đường cho đến ngày đầu tháng 6 gần đây. Cô phải ngồi lề đường ở thành phố St. Louis, bang Missouri cùng con trai 4 tuổi và con gái 7 tuổi. Sau đó, cả 3 mẹ con phải đi bộ đến trạm xăng gần nhất và chỉ mua một bình xăng nhỏ với giá 1,5USD để đi nốt quãng đường về nhà.
Đây không phải chuyện hiếm thấy tại xứ cờ hoa ở thời điểm hiện nay, khi giá xăng ngày càng đắt đỏ. Ngày 11-6 vừa qua, giá trung bình của xăng chất lượng cao tại Mỹ đã lần đầu tiên vượt 5USD/gallon (tương đương 1,35USD/lít). Cách đây một năm, giá xăng trung bình tại Mỹ chỉ là 3,07USD/gallon.
Giờ đây, nhiều người không dám đổ xăng đầy bình và coi đó là một việc làm xa xỉ. Dữ liệu của AAA cho hay, hơn 200.000 tài xế đã rơi vào cảnh hết xăng giữa đường trong năm nay. Ngoài ra, AAA đã nhận được 50.787 cuộc gọi thông báo hết xăng vào tháng 4 vừa qua, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Patrick De Haan, Trưởng bộ phận phân tích xăng dầu tại Gas Buddy, cho biết một số tài xế chỉ đổ nửa bình xăng khi chưa đến ngày nhận lương. Ông Haan nói: “Nếu chỉ còn 5 hay 10USD trong ví và chưa nhận được tiền lương, họ buộc phải làm vậy. Thực tế này cho thấy người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi giá xăng tăng cao”.
“Cơn bão” giá xăng ập đến khiến người dân Mỹ choáng váng. Nhiều người không còn cách nào khác phải thay đổi hành vi mua sắm và thói quen sinh hoạt để ứng phó với giá xăng leo thang. Anh Alaniz cho hay, giá nhiên liệu tăng buộc anh phải thay đổi kế hoạch đi làm và đi học.
Alaniz thường lái xe hơn 96km từ trang trại của gia đình gần thành phố Alice tới trường đại học ở thành phố Corpus Christi, Texas bằng xe bán tải Chevy Silverado 2500. Hiện nay, kể cả làm công việc bán thời gian, Alaniz cũng không kham nổi tiền xăng xe.
Vì thế, Alaniz đang rao bán chiếc xe của mình và sẽ chuyển sang sử dụng loại xe nhỏ hơn để tiết kiệm xăng. Ngoài ra, anh cũng quyết định học trực tuyến vào học kỳ tới. Về phần mình, cô Hille đã tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí, bao gồm tăng thời gian làm việc ở nhà, đưa con đi bộ tới trường. Tuy nhiên, cô vẫn gặp nhiều khó khăn khi giá xăng tăng cao.
Cô Hille chia sẻ: “Tôi không thể làm những việc từng làm với các con vì xăng quá đắt. Trước đây, chúng tôi thường lái xe đi chơi khi các con được nghỉ học hoặc đến sân chơi, một số nơi mà chúng chưa từng đến. Hiện tại, tôi phải dùng số tiền đó để mua đồ thiết yếu”.
Theo ông Tom Kloza, Trưởng bộ phận Phân tích năng lượng toàn cầu tại Công ty Phân tích giá nhiên liệu OPIS, giá xăng ở Mỹ liên tục lập kỷ lục và khó giảm là hệ quả của tổng hòa nhiều yếu tố. Đó là xung đột tại Ukraine, suy giảm sản lượng dầu khai thác và công suất lọc dầu cùng nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng mạnh sau đại dịch COVID-19.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sử dụng nhiều biện pháp để hạ giá xăng, trong đó có động thái xả kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ với số lượng kỷ lục, miễn trừ các quy tắc cho ngành sản xuất xăng phục vụ thời điểm mùa hè và dựa vào các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để tăng sản lượng.
Mới đây, nhà lãnh đạo Mỹ đã gửi thư cho Giám đốc điều hành các tập đoàn dầu mỏ của nước này, trong đó yêu cầu tăng nguồn cung nhiên liệu cũng như làm việc với chính phủ để giải quyết vấn đề tăng giá.
Giới quan sát dự báo rằng giá năng lượng sẽ còn leo thang trong mùa hè năm nay. Điều này gây áp lực lớn cho người tiêu dùng vốn đang chật vật vì giá thực phẩm, nhà ở cùng các nhu yếu phẩm khác tăng cao.