Số liệu thống kê vừa được cơ quan y tế Nhật Bản công bố cho thấy, nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao kỷ lục trong ngày thứ ba liên tiếp, với hơn 190 nghìn ca mắc trong ngày 22/7.
Đây đã là làn sóng lây nhiễm thứ bảy do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron gây ra. Hiện số ca nhiễm BA.5 chiếm tới 96% số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản.
Trong ngày 22/7, thủ đô Tokyo ghi nhận 34.995 ca mắc mới Covid-19 - mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp. Trong đó, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi cho kết quả xét nghiệm dương tính với nguy cơ lây nhiễm cao.
Tình hình trên đang gây sức ép đáng kể đối với hệ thống y tế của Nhật Bản, song Thủ tướng Fumio Kishida cho biết, chính phủ "không dự định đưa ra các biện pháp hạn chế mới đối với di chuyển của người dân".
Thay vào đó, để giúp duy trì hoạt động của xã hội và nền kinh tế, chính phủ nước này đã quyết định cắt giảm thời gian cách ly đối với những người từng có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, xuống chỉ còn 5 ngày so với mức trước đó là 7 ngày.
Theo quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/7, những người cho kết quả xét nghiệm âm tính trong 2 lần xét nghiệm kháng nguyên liên tiếp cũng sẽ chỉ phải cách ly trong 2 ngày.
Cũng trong ngày 22/7, Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản đã đề xuất triển khai chương trình tiêm mũi thứ năm vaccine phòng Covid-19 cho những đối tượng có nguy biến chứng cao như người cao tuổi.
Loại vaccine được bộ này tính đến là vaccine đang được nghiên cứu và phát triển bởi hãng dược Pfizer/BioNTech, được xác định có hiệu quả đối với các biến thể phụ của Omicron và nhiều khả năng sẽ được thương mại hóa vào mùa thu năm nay.
Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết, việc thúc đẩy tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi thứ năm mang lại kỳ vọng về hiệu quả ngăn ngừa biến chứng nặng. Bộ này sẽ tiếp tục thảo luận về mở rộng đối tượng tiêm chủng và khoảng cách mũi tiêm trên cơ sở những thông tin khoa học có được trong thời gian tới và động thái của các quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra, bộ trên cũng đề xuất mở rộng đối tượng tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi thứ tư đối với nhân viên y tế và nhân viên điều dưỡng, đồng thời, xem xét chấp nhận tiêm chủng đồng thời vaccine Covid-19 và vaccine phòng ngừa cúm mùa.
Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản đang triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi thứ tư và chỉ giới hạn đối tượng là những người cao tuổi, người có bệnh nền, hoặc những người được bác sĩ chẩn đoán có nguy cơ biến chứng cao. Hai loại vaccine được sử dụng là vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và hãng Moderna.
Cùng ngày 22/7, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Mohammad Syahril cho biết, Chính phủ nước này đang xem xét tiêm tăng cường mũi vaccine thứ tư ngừa Covid-19 cho người dân trong bối cảnh đại dịch được dự báo còn kéo dài.
Theo quan chức y tế này, các nhà dịch tễ học ước tính, tình hình đại dịch Covid-19 trên thế giới sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian tương đối dài nữa. Trong khi đó, các chuyên gia y học kết luận rằng kháng thể từ 2 mũi vaccine hoặc mũi vaccine thứ ba có thể suy giảm trong vòng 6 tháng.
Ông Syahril nhấn mạnh nhiều tổ chức cũng khuyến nghị tiến hành tiêm tăng cường vaccine mũi thứ tư nếu đại dịch vẫn tiếp tục kéo dài.
Hiện Bộ Y tế cùng Nhóm cố vấn kỹ thuật tiêm chủng Indonesia (ITAGI) đang tiến hành các cuộc thảo luận chuyên sâu liên quan chương trình tiêm chủng vaccine mũi thứ tư ngừa Covid-19 cho người dân, trong đó đặc biệt ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, các nhân viên y tế, người già và nhân viên công vụ.
Theo thống kê chính thức của Bộ Y tế Indonesia, số người đã được tiêm tăng cường vaccine ngừa Covid-19 mũi thứ ba ở Indonesia mới chỉ đạt 53,89 triệu người, tương đương 25,88% trong tổng mục tiêu hơn 208 triệu người.