Tại sao kinh tế Nga vững vàng trước “bão” trừng phạt?

Theo qdnd.vn 09:28, 31/08/2022

Dù phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt cứng rắn từ phương Tây, nền kinh tế Nga vẫn vững vàng và tăng trưởng vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích. Trong một bài viết mới đây, tờ The Economist đã chỉ ra 3 lý do tạo nên sức mạnh của nền kinh tế xứ bạch dương.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Moscow, Nga. Ảnh: RIA Novosti
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Moscow, Nga. Ảnh: RIA Novosti

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, kinh tế nước này rơi tự do trong giai đoạn đầu. Đồng ruble mất 1/4 giá trị so với đồng USD. Các công ty phương Tây rời đi hoặc cam kết làm như vậy khi chính phủ nước họ áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Trong vòng một tháng, các nhà phân tích đã điều chỉnh dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2022 từ mức giảm 2,5% xuống mức giảm gần 10%. Thậm chí, một số dự báo khác về triển vọng kinh tế Nga còn ảm đạm hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, phân tích bằng dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, The Economist đánh giá nền kinh tế Nga đang hoạt động tốt hơn với những dự báo lạc quan nhất hiện có. Trong đó, trợ lực chính là doanh thu từ xuất khẩu năng lượng.

“Chỉ báo hoạt động hiện tại”-thước đo tiến độ tài chính theo thời gian thực do ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) thực hiện ghi nhận kinh tế Nga đã phục hồi sau khi suy giảm đáng kể trong tháng 3 và tháng 4 năm nay. Bên cạnh đó, lạm phát đang hạ nhiệt. Trong 5 tháng đầu năm, giá tiêu dùng tăng khoảng 10%. Đồng ruble giờ mạnh hơn đã làm giảm chi phí nhập khẩu. Với nguồn nhiên liệu dồi dào, Nga khó có khả năng phải đối mặt với tình trạng lạm phát do chi phí năng lượng leo thang như châu Âu.

Theo The Economist, nền kinh tế Nga chống chịu tốt trước tác động của các lệnh trừng phạt hơn các dự báo vì 3 lý do. Đầu tiên là chính sách. Tổng thống Nga Vladimir Putin là người am hiểu về kinh tế và giao việc quản lý kinh tế cho những nhân sự chủ chốt có trình độ cao.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) có nhiều chuyên gia tầm cỡ, những người đã nhanh chóng hành động để ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế. Ngay từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, CBR đã nhanh chóng tăng mạnh lãi suất, triển khai các biện pháp kiểm soát vốn để nâng giá đồng ruble nhằm kiềm chế lạm phát.

Lý do thứ hai liên quan đến lịch sử kinh tế. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng nói rằng người Nga “có sức chịu đựng hơn bất kỳ ai”. Trong gần 25 năm, Nga đã đối mặt với 5 cuộc khủng hoảng kinh tế: 1998, 2008, 2014, 2020 và 2022. Do đó, người dân Nga đã học được cách thích nghi, thay vì hoảng loạn. Ngoài ra, các bộ phận của nền kinh tế Nga từ lâu đã khá tách biệt với phương Tây.

Điều này giúp nền kinh tế ít bị tổn thương hơn trước các lệnh trừng phạt. Năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga chỉ chiếm khoảng 30% GDP. Trước cuộc xung đột, chỉ khoảng 0,3% người Nga làm việc cho doanh nghiệp Mỹ. Moscow cũng cần tương đối ít nguyên liệu thô nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, các lệnh trừng phạt bổ sung cũng không tác động lớn đến kinh tế Nga.

Lý do thứ 3 liên quan đến năng lượng. Theo báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các biện pháp trừng phạt không tác động nhiều đến sản lượng dầu của Nga. Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Nga bán được tổng cộng 85 tỷ USD nhiên liệu hóa thạch cho Liên minh châu ÂU (EU). Rõ ràng, lợi nhuận thu được từ xuất khẩu năng lượng hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế của Moscow.

Hồi tháng 6 vừa qua, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Saint Petersburg 2022, Tổng thống Putin nhấn mạnh, tốc độ và khối lượng của các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ chống lại Moscow phần nhiều được thực hiện một cách vội vàng.

Do đó, cuộc chiến trừng phạt “chớp nhoáng” không thành công và những dự đoán u ám về nền kinh tế Nga đã không trở thành hiện thực. Hãng tin Bloomberg mới đây cũng nhận định, các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt của phương Tây nhằm vào Nga thực tế ít gây thiệt hại hơn nhiều so với những dự đoán trước đó. Bất chấp “bão” trừng phạt, nền kinh tế Nga đang tăng trưởng tốt hơn dự kiến do hưởng lợi từ giá năng lượng cao.