Sức ép bùng nổ dân số

Theo qdnd.vn 08:47, 20/11/2022

Theo dự báo của Liên hợp quốc (LHQ), Ấn Độ sẽ thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Dân số đông mở ra cơ hội nhưng cũng tạo ra sức ép lớn đối với quốc gia Nam Á này.

Vào ngày 15-11, khi dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người, Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, trong vòng 6 tháng tới, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để giữ vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng dân số.

Theo Báo cáo Triển vọng dân số thế giới năm 2022 của LHQ, vào ngày 1-7-2023, dân số Ấn Độ sẽ vào khoảng 1,428 tỷ người, còn Trung Quốc sẽ là 1,425 tỷ người.

Theo tờ Nikkei Asia, dân số của Ấn Độ đang ngày một tăng lên khi tỷ lệ sinh ở nước này duy trì ở mức cao. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cho rằng lượng lớn dân số sẽ mang lại lợi ích cho Ấn Độ.

Cụ thể, dân số đông chính là động lực cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia Nam Á. Nguồn nhân lực dồi dào trong dài hạn mang lại ưu thế cho Ấn Độ trong bối cảnh nhiều nước đang chật vật vì thiếu hụt lao động do tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp.

Bãi biển Juhu tại Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AP
Bãi biển Juhu tại Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AP

Tuy nhiên, khi dân số gia tăng nhanh chóng, Chính phủ Ấn Độ cũng phải đau đầu tìm cách giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan như giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho đến cơ sở hạ tầng và môi trường.

Theo The Guardian, Ấn Độ đang có lượng lớn dân số trẻ, song phần lớn không có kỹ năng cần thiết theo yêu cầu của các công ty. Thêm vào đó, thị trường lao động cũng không có đủ việc làm dành cho họ. Trên khắp Ấn Độ, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 23%, chỉ 1/4 sinh viên tốt nghiệp có việc làm và chỉ có 25% phụ nữ ở Ấn Độ tham gia vào lực lượng lao động.

Bà Poonam Muttreja, Giám đốc điều hành của Tổ chức Dân số Ấn Độ, cho biết, vẫn còn thời gian để nhóm dân số trẻ đóng góp sức lực cho sự phát triển của đất nước. Bà Muttreja nhận định: “Chúng ta có khả năng khai thác tiềm năng của dân số trẻ nhưng cần đầu tư ngay vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho thanh thiếu niên nếu muốn gặt hái được nhiều lợi ích”.

Dân số tăng cũng tạo ra những áp lực không nhỏ lên các đô thị ở Ấn Độ. Tại các thành phố lớn như New Delhi, Mumbai, Chennai và Kolkata, cơ sở hạ tầng nhà ở, nước sinh hoạt cũng như hệ thống giao thông không phát triển theo kịp đà tăng dân số. Theo AFP, riêng ở Mumbai, 40% người dân đang phải sống trong các khu ổ chuột.

Mặc dù nằm sát cạnh một số khu dân cư giàu có nhất của Ấn Độ nhưng những dãy nhà ổ chuột này thường không có nước, điện và không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh. Trong khi đó, những người sống ở ngoại ô Mumbai hằng ngày mất nhiều giờ di chuyển đến nơi làm việc. Họ thường phải chen chúc trong những toa tàu chật cứng. Một số người khác thì tự lái ô tô hoặc xe máy trên những con đường đầy ổ gà, tắc nghẽn và ngập nước trong mưa lũ.

The Guardian nhận định, hiện nay, phần lớn dân số Ấn Độ chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn và chỉ có 33% dân số sống ở các thành phố. Khi tốc độ đô thị hóa đang tăng lên, tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng. Các thành phố của Ấn Độ vốn đông đúc lâu nay sẽ càng trở nên quá tải trong vài thập kỷ tới.

Theo dự đoán của LHQ, vào năm 2050, người Ấn Độ sẽ sống nhiều tại các đô thị hơn là vùng nông thôn. Điều đó đồng nghĩa với việc tình trạng ô nhiễm không khí sẽ trở nên trầm trọng hơn. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán, lượng khí thải CO2 từ hoạt động sản xuất và giao thông vận tải cũng như từ việc sản xuất thép và bê tông để làm nhà ở tăng mạnh vào năm 2040, khi các thành phố ở Ấn Độ có thêm 270 triệu người sinh sống.

“Đô thị hóa sẽ thúc đẩy những thay đổi quan trọng trong các thập kỷ tới. Nhưng chất lượng cuộc sống ở các thành phố đang xấu đi nhanh chóng”, ông Rumi Aijaz, thành viên của tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation tại New Delhi cảnh báo.

Những vấn đề trên cho thấy, Chính phủ Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nếu muốn tận dụng lợi thế đông dân để đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, tương xứng với quy mô dân số.


Từ khóa:

Bùng nổ dân số

Ấn Độ