Câu chuyện quốc tế: Nỗi niềm lao động nhập cư

Theo qdnd.vn 08:13, 04/12/2022

Vài năm trước, Hari rời Nepal đến Qatar làm việc với mơ ước đổi đời. Từ năm 2013, mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ Nepal là 74USD/tháng.

Tại Qatar, Hari được trả 192USD/tháng. Anh đã trải qua nhiều công việc lao động chân tay tại các siêu thị, khách sạn, sân bay... Nặng nhọc nhất là công việc tại một công trường xây dựng, nơi những người lao động nhập cư như Hari phải khuân vác gạch lên các tòa nhà 6-7 tầng trong cái nóng như thiêu như đốt vùng sa mạc.

Quản đốc công trường rất khắt khe, nhiều lần đe dọa cắt giảm lương và tiền làm thêm của công nhân. “Đã có nhiều công nhân ngất xỉu tại nơi làm việc và được đưa đến cơ sở y tế. Chúng tôi không biết sau đó họ ra sao”, Hari kể lại với phóng viên CNN.

Để có được một suất tới Qatar làm việc, Hari đã phải chi 685USD cho một công ty môi giới, và khi phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, tùy lý do mà anh sẽ phải bồi thường từ 549 đến 823USD.

Một lao động làm việc tại Qatar. Ảnh minh họa/Reuters.
Một lao động làm việc tại Qatar. Ảnh minh họa/Reuters.

Một lao động khác-anh Sunit đã về nước sau 8 tháng làm việc ở Qatar thay vì 2 năm như dự định ban đầu. Tham gia xây dựng một khách sạn, hằng ngày, anh phải vác trên vai những bao xi măng nặng 30-50kg, leo 10-12 tầng lầu, trong khi thang máy vận chuyển “hiếm khi hoạt động”. Nếu không hoàn thành khối lượng công việc được giao, anh sẽ bị trừ lương.

Thực tế, nhiều lao động như Sunit đã bị quỵt lương, đó cũng là lý do khiến chủ sử dụng lao động bị nhà chức trách bắt giam. Không việc làm, không thu nhập, không biết tiếng, suốt một tháng ròng, Sunit và những người cùng cảnh sống “giật gấu vá vai”, nương tựa vào nhau. Phát hiện sự việc, cảnh sát sở tại tới phát thức ăn cho họ rồi tuyên bố hồi hương toàn bộ lao động nhập cư tại công trình này. Sunit tay trắng trở về nước, còn khoản vay 1.840USD để chi cho công ty môi giới trước khi xuất cảnh thì không biết chừng nào mới trả được.

Hari và Sunit nằm trong số hàng trăm nghìn lao động đổ xô tới Qatar kể từ năm 2010, khi quốc gia giàu có này được trao quyền đăng cai tổ chức World Cup 2022. Đa số lao động đến từ Nepal, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan...

Có lẽ khi rời khỏi quê nhà, những lao động nhập cư chưa từng nghĩ thảm cảnh đang rình rập họ phía trước. Tương phản với hình ảnh những tòa nhà chọc trời hiện đại, những khách sạn xa hoa bậc nhất ở một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới là cuộc sống khốn cùng của những “nô lệ thời hiện đại”: Họ buộc phải làm những công việc nặng nhọc kéo dài dưới thời tiết khắc nghiệt; không có đủ thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức lực; bị ngược đãi, ăn uống thiếu chất, ở trong những phòng trọ tồi tàn; thường xuyên bị chậm lương, thậm chí không được trả lương; bị tịch thu hộ chiếu, bị chủ sử dụng lao động đe dọa hoặc đánh đập.

Theo The New York Times, ít nhất 2.100 lao động người Nepal đã chết ở Qatar kể từ năm 2010. Ngoài ra, nhiều người bị suy thận hoặc gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau khi trở về từ vùng Vịnh, đa số là nam giới trong độ tuổi 20-45, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Còn con số mà The Guardian đưa ra hồi năm ngoái là 6.500 công nhân nhập cư Nam Á đã chết ở Qatar trong hơn 10 năm qua.

Với 220 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Qatar đã biến World Cup 2022 thành kỳ World Cup đắt giá nhất trong lịch sử. 8 sân vận động được xây mới trên vùng sa mạc nóng bỏng cùng hàng loạt sân bay, khách sạn, hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt, đường cao tốc hiện đại... Tất cả đều do lực lượng lao động nhập cư, vốn chiếm tới 90% lực lượng lao động tại đất nước 3 triệu dân này, đảm nhiệm.

Thảm cảnh “nô lệ thời hiện đại” ở Qatar nhắc người ta nhớ đến một vấn đề gây bức xúc nhiều năm nay tại Mỹ. Vẫn là tình trạng lao động cưỡng bức, bị buộc phải làm việc trong thời tiết khắc nghiệt, thiếu bảo hộ lao động, bị cắt xén tiền lương, điều kiện ăn ở tệ hại, không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bị kỳ thị do màu da hoặc do bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa...

Theo Reuters, Mỹ có khoảng 12 triệu lao động nhập cư từ nhiều quốc gia, đông nhất là từ Mexico và Trung Mỹ. Thời kỳ đại dịch, nhiều lao động nhập cư phải làm công việc cực nhọc cả ngày trong không gian chật hẹp đã tử vong do nhiễm COVID-19. Song, nỗi sợ hãi lớn hơn cả đối với họ là nỗi sợ bị sa thải và trục xuất, một khi họ dám lên tiếng phàn nàn về công việc. Các nhà hoạt động kêu gọi chính quyền Mỹ cần cải cách toàn diện hệ thống luật pháp về lao động nhập cư, bảo đảm cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn, bởi họ là thành phần quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế Mỹ.

Đức-nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU)-đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Ước tính, mỗi năm Đức cần 400.000 lao động nhập cư. Chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz mới đây đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giảm bớt những trở ngại, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người nhập cư được nhận quy chế thường trú nhân, trao quyền công dân cho những người đã sống ở Đức trong 5 năm thay vì 8 năm, cho phép có hai quốc tịch với người đến từ các quốc gia ngoài EU...

Ngoài ra, lao động nhập cư sẽ được tiếp cận với các khóa học tiếng Đức và các khóa dạy nghề để dễ dàng hội nhập; tăng cường tư vấn cho người nhập cư giúp cải thiện tình trạng lao động cưỡng bức.

Tại Anh, nghiên cứu của Trường vệ sinh và y học nhiệt đới London thuộc Đại học London cho thấy, có nhiều lo ngại về các hình thức bóc lột nghiêm trọng đối với những lao động nhập cư. Họ không thể mở tài khoản ngân hàng, bị trừ chi phí ăn ở quá mức, bị phân biệt chủng tộc, bị cô lập, quấy rối tình dục, làm các công việc trái với thỏa thuận ban đầu...

Chính quyền các quốc gia thu hút lao động nhập cư đang nỗ lực đi tìm lời giải cho bài toán về giảm thiểu mức độ trầm trọng của thực trạng “nô lệ thời hiện đại” nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cũng như sự an toàn cho các lao động nhập cư.


Từ khóa:

Lao động nhập cư