LHQ đề xuất phương án giải quyết thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Theo TTXVN 10:55, 25/04/2023

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề xuất hướng giải quyết vấn đề này trong các bức thư kín gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và các bên liên quan, bao gồm Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24-4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra phương án giải quyết liên quan thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại New York (Mỹ).

Ông Antonio Guterres đã đề xuất hướng giải quyết vấn đề này trong các bức thư kín gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và các bên liên quan, bao gồm Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu những ý tưởng mà (Tổng thư ký Antonio Guterres) đã đưa ra cho chúng tôi trong bức thư.” Ông Lavrov cũng nhấn mạnh rằng "cho đến nay, việc đàm phán vấn đề này vẫn chưa có nhiều tiến triển."

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết thỏa thuận giữa Moskva và Liên hợp quốc về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga không được thực hiện và có “rất nhiều chi tiết” cần được thảo luận giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Tổng thư ký Antonio Guterres.

Bà Zakharova nói với các phóng viên: “Đó là một thỏa thuận bao gồm hai phần và cả hai phần phải được thực hiện và thực hiện như nhau.”

Nga gần đây tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vào ngày 18-5 tới, nếu những biện pháp hạn chế của phương Tây nhằm ngăn chặn xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga không được dỡ bỏ.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được ký giữa Nga và Ukraine hồi tháng 7 năm ngoái, dưới sự trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận đã được gia hạn 120 ngày vào tháng 11/2022 và tiếp tục gia hạn 60 ngày vào ngày 18-3 vừa qua cho đến ngày 18-5 tới.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 23-4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev nêu rõ Moskva sẽ đáp trả tương xứng nếu Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa sang Nga.

Ông cũng đồng thời để ngỏ khả năng Moskva chấm dứt thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Trên tài khoản Telegram, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Medvedev nêu rõ ý tưởng về việc cấm hoàn toàn xuất khẩu hàng hóa sang Nga cũng đồng nghĩa với việc (G7) ngừng nhập khẩu hàng hóa của Nga, đặc biệt là các hàng hóa trong danh mục nhạy cảm. Ngoài ra, Nga cũng sẽ dừng thực thi thỏa thuận ngũ cốc.

Trước đó, Bloomberg đưa tin giới chức các nước G7 đang thảo luận về khả năng "cấm hoàn toàn hầu hết các mặt hàng xuất khẩu" sang Nga trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra từ ngày 19-21/5 tại Hiroshima (Nhật Bản).

Một số sản phẩm có thể được miễn trừ lệnh cấm này như dược phẩm, nông sản và thực phẩm.