Campuchia đặt mục tiêu là quốc gia có thu nhập trung bình cao năm 2030

Theo TTXVN 16:15, 24/08/2023

Phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hun Manet đã thông qua các mục tiêu, giải pháp chiến lược cho nhiệm kỳ mới.

Tân Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Manet (giữa) phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII ở Phnom Penh, ngày 22/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tân Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Manet (giữa) phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII ở Phnom Penh, ngày 22/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sáng 24-8, tại Cung Hòa bình ở thủ đô Phnom Penh, Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII đã họp phiên toàn thể đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hun Manet nhằm thảo luận và thông qua chương trình hành động nhiệm kỳ vì “tăng trưởng, việc làm, công bằng, hiệu quả và bền vững” cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, một trong những nội dung trọng tâm của phiên họp này là thảo luận và thông qua “Chiến lược Ngũ giác Giai đoạn 1” vì mục tiêu “tăng trưởng, việc làm, công bằng, hiệu quả và bền vững,” cùng các sứ mệnh và mục tiêu mang tính lịch sử của chương trình hành động nhiệm kỳ do Thủ tướng Hun Manet trình bày.

Nhà lãnh đạo Campuchia nêu rõ “Chiến lược Ngũ giác Giai đoạn 1” của chính phủ nhiệm kỳ mới là nhằm gìn giữ nền hòa bình đã đạt được, vun đắp cho tiến trình tăng trưởng kinh tế và phát triển chung; đồng thời xây dựng và củng cố nền tảng để thúc đẩy phát triển, đưa Campuchia trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, hướng tới tầm nhìn có thu nhập cao vào năm 2050 thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng của 5 lĩnh vực bao gồm dịch vụ công, kinh tế, tài chính, nguồn nhân lực và xã hội, và môi trường gắn với khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Hun Manet khẳng định chiến lược hướng tới 5 mục tiêu xuyên suốt của nhiệm kỳ chính phủ mới, bao gồm đảm bảo tăng trưởng kinh tế với tốc độ bình quân 7% gắn với khả năng chống chịu trước các khủng hoảng; tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, đặc biệt là thanh niên, cả về số lượng và chất lượng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 10% và tiếp tục nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo đến mức thấp nhất; tăng cường năng lực quản trị và nâng cao chất lượng chính sách ở cả cấp quốc gia và địa phương nhằm đảm bảo tính hiệu quả của dịch vụ công, cũng như tiếp tục tăng cường hoạt động quản trị trong lĩnh vực tư nhân và tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, đầu tư và thương mại; đảm bảo tính bền vững của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện 5 mục tiêu chiến lược nêu trên, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã xác định 5 ưu tiên cốt lõi của “Chiến lược Ngũ giác Giai đoạn 1” về con người, đường sá, nguồn nước, điện và công nghệ.

Bên cạnh đó, chính phủ nhiệm kỳ mới cũng xác định 6 ưu tiên chính sách triển khai thực hiện từ năm 2023, bao gồm mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hướng tới đảm bảo độ bao phủ của mạng lưới chăm sóc sức khỏe toàn dân; Đào tạo nghề và kỹ thuật cho thanh niên thuộc các hộ nghèo và hộ dễ bị tổn thương trên phạm vi toàn quốc; Thể chế hóa chương trình trợ cấp xã hội quốc gia đối với hộ nghèo, đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ dễ bị ảnh hưởng khi xảy ra khủng hoảng kinh tế và thiên tai; Đưa ra Chiến lược Phát triển Kinh tế Tư nhân để người dân có thể tham gia vào hệ thống kinh tế nhà nước và chính thức hưởng lợi từ hệ thống bảo trợ xã hội; Đưa ra cơ chế điều phối tài chính phù hợp nhằm thúc đẩy sản xuất, tìm kiếm thị trường, bình ổn giá các mặt hàng nông sản chủ lực ở mức phù hợp; Đưa cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xuống xã, phường có hoạt động sản xuất nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc và xây dựng tổ chức hội nông dân tại ở khu vực nông thôn.

Trong khuôn khổ chương trình nghị sự, bên cạnh việc công bố triển khai thực hiện “Chiến lược Ngũ giác Giai đoạn 1,” Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII còn xem xét thông qua các dự luật về việc đổi tên “Bộ Quan hệ với Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra” thành “Bộ Thanh tra”, thành lập Cơ quan đặc trách công tác biên giới trực thuộc chính phủ, cùng nhiều nội dung khác.