Hàng loạt tập đoàn du lịch, lữ hành, hàng không thông báo mức doanh thu ấn tượng nhờ nhu cầu tăng vọt trong mùa hè năm nay. Ngành du lịch thế giới đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài ảm đạm vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tình trạng khan hiếm nhân lực, làn sóng đình công… vẫn là những yếu tố rủi ro đối với sự phát triển của ngành công nghiệp không khói.
(Ảnh minh họa) |
Mùa hè năm 2023 được đánh giá là mùa hè sôi động với Tập đoàn du lịch lữ hành TUI (có trụ sở ở Đức), một trong những tập đoàn du lịch lớn nhất thế giới.
Báo cáo của tập đoàn này cho biết, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, hơn 5,5 triệu lượt du khách đã trải nghiệm các dịch vụ của TUI, tăng từ mức 5,1 triệu lượt khách trong cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) của tập đoàn này tăng lên mức 169,4 triệu euro, so với khoản lỗ 27 triệu euro cùng kỳ năm trước. Đây là tin vui đối với TUI, bởi trong giai đoạn 2020-2021, tập đoàn du lịch này đã chịu những khoản lỗ cao kỷ lục và phải nhận cứu trợ từ chính phủ Đức để vượt qua khủng hoảng.
Nhu cầu du lịch, đi lại tăng mạnh trong mùa hè cũng mang đến tín hiệu khởi sắc rõ rệt cho ngành hàng không. Hãng hàng không Lufthansa của Đức dự báo có thể đạt lợi nhuận kỷ lục vào cuối năm 2023, lên tới 2,6 tỷ euro và năm 2023 có thể là năm có doanh thu tốt nhất trong lịch sử 70 năm của hãng. Hãng hàng không giá rẻ EasyJet của Anh vừa công bố số liệu cho thấy, lợi nhuận trước thuế trong quý III của tài khóa năm 2023 đạt mức kỷ lục là 203 triệu bảng Anh.
Hồi giữa tháng 6/2023, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu sẽ tăng vọt trong năm 2023 và quay lại gần mức của năm 2019. Theo IATA, những bất ổn kinh tế không khiến hoạt động du lịch giảm sút, ngay cả khi giá vé tăng do chi phí nhiên liệu đội lên.
Tín hiệu phục hồi của ngành du lịch, hàng không thời kỳ hậu Covid-19 đã được ghi nhận từ mùa hè năm ngoái sau khi một loạt quốc gia gỡ bỏ chính sách “cài then đóng cửa” nhằm kiểm soát dịch bệnh. Nhu cầu đi lại tăng vọt là một yếu tố dẫn đến tình trạng ùn tắc, hỗn loạn ở các sân bay của châu Âu vào mùa hè năm 2022, bên cạnh các nguyên nhân khác như thiếu hụt trầm trọng nhân viên, làn sóng đình công của người lao động...
IATA từng bày tỏ tin tưởng rằng, các hãng hàng không có thể vượt qua những đợt cao điểm đi lại của năm nay nhờ các kinh nghiệm được tích luỹ từ “mùa hè hỗn loạn” trước đó.
Dù triển vọng phát triển rất tươi sáng, ngành du lịch vẫn đối mặt với hàng loạt thách thức, mà biến đổi khí hậu là vấn đề nổi cộm. Nắng nóng khắc nghiệt ở khắp các khu vực, từ châu Á cho đến châu Âu, châu Mỹ khiến nhiều hành khách thay đổi thói quen du lịch.
Tại Hy Lạp, hàng nghìn du khách phải sơ tán khỏi các đảo Rhodes và Corfu do nắng nóng kéo theo cháy rừng. Quốc gia này tuyên bố sẽ cung cấp một kỳ nghỉ miễn phí trên đảo Rhodes vào năm 2024 cho khách du lịch bị ảnh hưởng bởi cháy rừng. Hãng Moody’s nhận định, nắng nóng có thể làm giảm sức hút của khu vực Nam Âu đối với khách du lịch, hoặc ít nhất làm giảm nhu cầu trong mùa hè, kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế.
Thiếu hụt lực lượng lao động cũng là một bài toán nan giải, dai dẳng với ngành du lịch. Bộ Giao thông vận tải Mỹ đang nỗ lực tuyển dụng thêm 1.800 nhân viên kiểm soát không lưu vào năm 2024. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cho rằng, ngành du lịch dịch vụ Nhật Bản cần tới 5,6 triệu lao động trong năm 2023.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc tuyển dụng nhân viên ồ ạt là “con dao hai lưỡi”, do vẫn còn những câu hỏi về tính bền vững của quá trình phục hồi nhu cầu du lịch. Làn sóng đình công của người lao động hiện vẫn xảy ra ở một số nước châu Âu, làm gián đoạn hoạt động hàng không.
Cũng như những ngành, nghề khác, ngành du lịch đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Đại dịch Covid-19 tạo động lực để lĩnh vực du lịch chuyển mình theo hướng bền vững, có sức chống chọi tốt hơn với khủng hoảng, qua đó đóng góp vào sự tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin