Tổng cộng có 18 người thiệt mạng trong năm 2023 khi cố gắng chinh phục Everest - ngọn núi cao nhất thế giới, khiến đây trở thành mùa leo núi chết chóc nhất kể từ khi những nhà leo núi lần đầu chinh phục đỉnh núi này cách đây 70 năm.
Ảnh: AP |
Theo hãng thông tấn TASS, thông tin trên do Cơ sở dữ liệu Himalaya, cơ quan lưu trữ thông tin về tất cả các chuyến thám hiểm ở dãy Himalaya, đưa ra.
Bệnh say núi cấp tính (hay say độ cao) do áp suất không khí giảm và nồng độ ôxy thấp hơn ở độ cao, chiếm gần một nửa số ca tử vong khi chinh phục đỉnh Everest. Lượng ôxy sẵn có thấp hơn có thể gây ra phù phổi và não, ảo giác và nhịp tim nhanh. Ngoài ra, những người leo núi còn phải chịu đựng căng thẳng về thể chất tột độ khi leo núi và thường xuyên bị mất nước. Trong một số trường hợp, những yếu tố này có thể gây tử vong.
Tổng cộng có 317 nhà leo núi đã thiệt mạng trên Everest trong suốt lịch sử 70 năm chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới. Trước đó, mùa leo núi chết chóc nhất nhất được ghi nhận vào năm 2014, với 17 người thiệt mạng.
Hồi tháng 5, trang The Guardian cho biết năm nay Chính phủ Nepal đã cấp số lượng giấy phép leo núi nhiều nhất trong lịch sử, với 479 giấy phép leo núi. Giấy phép leo núi là yêu cầu bắt buộc đối với những nhà thám hiểm muốn chinh phục đỉnh Everest. Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn leo núi Quốc gia Nepal Ang Norbu Sherpa nói rằng ngày càng có nhiều người leo núi thiếu kinh nghiệm đang cố gắng chinh phục đỉnh Everest.
“Những người có ít hoặc không có kinh nghiệm leo núi thường muốn leo lên đỉnh núi”, ông nói.
Ngoài ra, thời tiết thay đổi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao trong năm nay. Giám đốc sở du lịch Nepal Yuba Raj Khatiwada giải thích biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến thời tiết bất ổn trên núi Everest.
Giới chức cho biết hầu hết các trường hợp tử vong có thể tránh được nếu du khách tuân thủ tiêu chuẩn an toàn bắt buộc, đặc biệt là tiêu chuẩn an toàn và vận chuyển ôxy.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin