Giới chuyên gia cho rằng các cuộc không kích Mỹ-Anh, thay vì triệt hạ Houthi, lại có thể mang đến cơ hội cho nhóm phiến quân này ở Yemen và khu vực.
Máy bay chiến đấu của không quân Hoàng gia Anh cất cánh từ căn cứ quân sự Akrotiri ở đảo Síp trên Địa Trung Hải, tham gia chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen ngày 12/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các cuộc tấn công do Mỹ và Anh dẫn đầu nhằm vào nhóm phiến quân Houthi ở Yemen đang thể hiện một bước ngoặt mới đầy kịch tính trong cuộc xung đột ở Trung Đông - cuộc xung đột có thể có tác động khắp khu vực.
Theo Bộ chỉ huy Trung Đông của Lực lượng Không quân Mỹ, loạt cuộc không kích vào ngày 11/1 đã tấn công khoảng 60 mục tiêu tại 16 địa điểm, bao gồm cả thủ đô Sanaa của Yemen, cảng chính Hodeida và Saada, quê hương của người Houthi ở phía tây bắc đất nước.
Hành động quân sự này diễn ra sau nhiều tuần cảnh báo của Mỹ, yêu cầu Houthi ngừng tấn công các tàu thương mại ở eo biển chiến lược Bab el-Mandeb trên Biển Đỏ. Ngoài gây rối ở Biển Đỏ, Houthi - lực lượng dân quân vũ trang đang kiểm soát phần lớn miền bắc Yemen sau cuộc nội chiến gay gắt kéo dài gần một thập kỷ - cũng đã phóng tên lửa và máy bay không người lái về phía Israel.
Là một chuyên gia về chính trị Yemen, Tiến sĩ Khoa học chính trị Mahad Darar, tại Đại học Bang Colorado (Mỹ) cho rằng, các cuộc tấn công của Mỹ vào lực lượng Houthi sẽ có tác động sâu rộng - không chỉ đối với lực lượng phiến quân này và cuộc nội chiến ở Yemen, mà còn đối với khu vực rộng lớn hơn nơi Mỹ đang có các đồng minh chủ chốt. Tổ chức Houthi sẽ thu được lợi ích chính trị từ các cuộc tấn công này do sự ủng hộ một câu chuyện mà nhóm này đã nuôi dưỡng: rằng họ là những người đấu tranh tự do chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây trong thế giới Hồi giáo.
Người Houthi có thêm một lý do chính đáng
Cuộc xung đột Israel-Gaza đã tiếp thêm sinh lực cho Houthi, mang lại cho lực lượng một lý do tồn tại vào thời điểm mà vị thế của họ ở quê nhà đang giảm sút.
Vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công ngày 7/10 của nhóm Hamas ở Israel, cuộc xung đột kéo dài của lực lượng Houthi với Saudi Arabia, quốc gia ủng hộ chính phủ Yemen bị nhóm này lật đổ năm 2014, đã lắng xuống sau cuộc ngừng bắn vào tháng 4/2022.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Houthi vào các thành phố của Saudi đã chấm dứt và có hy vọng rằng một lệnh ngừng bắn có thể mang lại sự kết thúc vĩnh viễn cho cuộc xung đột tàn khốc ở Yemen.
Nhưng trong khi mối đe dọa từ bên ngoài giảm xuống, thì những rắc rối trong nước xuất hiện ở các khu vực do Houthi kiểm soát - nghèo đói, thiếu lương, cơ sở hạ tầng xuống cấp – lại dẫn đến sự lo lắng ngày càng tăng về cách quản lý của Houthi. Sự ủng hộ của công chúng dành cho tổ chức Houthi dần bị xói mòn mà không có kẻ xâm lược bên ngoài nào để đổ lỗi. Các nhà lãnh đạo Houthi không còn có thể biện minh cho những khó khăn ở Yemen như một sự hy sinh cần thiết để chống lại các thế lực nước ngoài, mà trước đó cụ thể là Saudi Arabia và UAE.
Tàu khu trục gắn tên lửa dẫn đường USS Carney của Mỹ đánh chặn tên lửa và thiết bị không người lái của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Trong bối cảnh đó, các cuộc tấn công của Israel ở Gaza đã mang lại một mục đích mới cho Houthi. Với lý do ủng hộ chính nghĩa của người Palestine đã cho phép lực lượng Houthi khẳng định lại sự liên quan của họ và tiếp thêm sinh lực cho các chiến binh cũng như khả năng lãnh đạo của họ.
Bằng cách bắn tên lửa về phía Israel, Houthi đã thể hiện mình là lực lượng đơn độc ở Bán đảo Arab đứng lên chống lại Israel. Lực lượng dân quân đang thể hiện cho người dân Yemen và những nước khác trong khu vực một thái độ khác, so với các nước Arab cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng thực hiện hành động mạnh mẽ chống lại Israel.
Tuyên truyền khơi dậy chủ nghĩa dân tộc
Chính phủ Mỹ và Anh đều tuyên bố các cuộc không kích là để trả đũa các cuộc tấn công dai dẳng của Houthi nhằm vào các tàu hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ và theo sau những nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, mục đích của họ là nhằm “phá vỡ và làm suy giảm khả năng của lực lượng Houthi”.
Nhưng bất kể ý định hay thiệt hại gây ra cho quân đội Houthi là gì, các cuộc tấn công của phương Tây có thể hỗ trợ cho câu chuyện của nhóm này, củng cố tuyên bố rằng họ đang chiến đấu chống lại những kẻ thù áp bức nước ngoài đang tấn công Yemen. Và điều này sẽ chỉ củng cố hình ảnh của Houthi trong lòng những người ủng hộ.
Hiện tại, lực lượng Houthis đã tìm cách huy động sự ủng hộ của công chúng trong nước. Các cuộc tấn công kịch tính trên biển và việc bắt giữ con tin là thủy thủ đoàn tàu đã tạo ra những video lan truyền đề cập đến chủ nghĩa dân tộc ở miền Bắc Yemen.
Sau cuộc tấn công của Mỹ - Anh, người phát ngôn của Houthi, Yahya Saree, cho biết nhóm này sẽ mở rộng các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, đồng thời cho biết bất kỳ cuộc tấn công nào của liên minh vào Yemen sẽ thúc đẩy các cuộc tấn công vào tất cả tàu thuyền đi qua eo biển chiến lược Bab el-Mandeb.
Hình ảnh từ vệ tinh Maxar cho thấy một số công trình bị phá hủy tại sân bay Hodeida (Yemen), sau các cuộc không kích của không lực Anh-Mỹ nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen, ngày 12/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vũ khí hóa sự đồng cảm của người Palestine
Trong khi đó, Houthi đã thành công trong việc gắn kết người Palestine với họ. Những lời kêu gọi thông qua các nhà thờ Hồi giáo ở Yemen và các chiến dịch nhắn tin qua điện thoại di động đã gây quỹ quyên góp cho Houthi bằng cách viện đến hoàn cảnh khó khăn của Gaza.
Các cuộc tấn công của Mỹ-Anh cũng có thể phản tác dụng vì một lý do khác: Chúng gợi lên ký ức về sự can thiệp quân sự của phương Tây vào thế giới Hồi giáo và Arab. Tổ chức Houthi chắc chắn sẽ khai thác điều này.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ban đầu tuyên bố thành lập liên minh gồm 10 quốc gia để chống lại các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ vào ngày 18/12/2023, đã có những lo ngại về việc thiếu đại diện trong khu vực. Trong số các quốc gia ở Trung Đông và thế giới Hồi giáo, chỉ có Bahrain – nơi đặt Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Hải quân Mỹ và Hạm đội 5 của Mỹ – tham gia.
Sự vắng mặt của các cường quốc chủ chốt trong khu vực như Saudi Arabia, Ai Cập, UAV và Djibouti – nơi Mỹ có căn cứ quân sự duy nhất ở châu Phi – đã làm tăng thêm nghi ngờ trong giới quan sát về khả năng của liên minh trong việc chống lại Houthi một cách hiệu quả.
Các quốc gia có đa số người Hồi giáo chắc chắn đã do dự trong việc hỗ trợ liên minh vì tính nhạy cảm của vấn đề “chính nghĩa Palestine”, mà vào thời điểm đó lực lượng Houthi đã gắn kết với họ.
Việc thiếu sự hỗ trợ trong khu vực khiến Mỹ và các đồng minh trong liên minh rơi vào tình thế đầy thách thức. Thay vì được coi là những người bảo vệ an ninh hàng hải, Mỹ - chứ không phải Houthi – có thể bị người Yemen coi là kẻ xâm lược và gây leo thang trong khu vực.
Nhận thức này có thể làm tổn hại đến uy tín của Mỹ trong khu vực và có khả năng đóng vai trò là công cụ tuyển dụng cho các tổ chức khủng bố như al-Qaida ở Bán đảo Arab và các nhóm tương tự. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ quân sự và ngoại giao của Mỹ dành cho Israel trong suốt cuộc xung đột hiện nay cũng gây ra sự hoài nghi trong khu vực về mục tiêu thực sự của các cuộc tấn công tên lửa chống Houthi.
Thêm sức mạnh trong nội chiến?
Sức mạnh mới của Houthi và các cuộc tấn công của phương Tây vào nhóm này cũng có tác động đến chính cuộc nội chiến ở Yemen.
Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa hai nhân vật chính trong cuộc xung đột – Saudi Arabia và lực lượng Houthi – giao tranh giữa Houthi và các nhóm khác ở Yemen, như Hội đồng chuyển tiếp phía Nam, Chính phủ chuyển tiếp Yemen và Lực lượng kháng chiến quốc gia, đã đi vào bế tắc.
Mỗi nhóm kiểm soát các khu vực khác nhau của Yemen và dường như tất cả đều đã chấp nhận sự bế tắc này.
Nhưng các cuộc tấn công của Mỹ-Anh đã khiến các đối thủ của Houthi rơi vào tình thế khó khăn. Họ sẽ do dự trong việc công khai ủng hộ sự can thiệp của phương Tây vào Yemen hay đổ lỗi cho Houthi đã hỗ trợ người Palestine. Hiện nay vẫn còn sự đồng cảm rộng rãi đối với người Gaza ở Yemen - điều có thể mang lại cho Houthi cơ hội nhận được sự hỗ trợ ở cả những khu vực trong nước không thuộc quyền kiểm soát của họ.
Houthi có thể tự do đổ lỗi cho các cuộc tấn công của phương Tây để huy động thêm sự ủng hộ và giành được lợi thế chiến lược trước các đối thủ địa phương. Họ cũng có thể nắm bắt thời cơ để thúc đẩy quyền kiểm soát nhiều hơn - có khả năng khơi dậy một cuộc nội chiến tưởng chừng như đang suy yếu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin