Mỹ và Anh đã tiếp tục tấn công các mục tiêu của Houthi ở Yemen bằng các phương tiện trên không và trên mặt đất, trong đó có cả máy bay chiến đấu, với sự hỗ trợ của một số quốc gia khác. Theo hai quan chức Mỹ, ít nhất 30 mục tiêu đã bị tấn công tại ít nhất 10 địa điểm.
Liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến hành không kích ở Yemen nhằm đáp trả Houthi tại Biển Đỏ vào ngày 3/2. Ảnh: Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ |
Theo kênh CNN ngày 3/2, các mục tiêu bao gồm cơ sở chỉ huy và kiểm soát; cơ sở cất giữ vũ khí dưới lòng đất; cùng các loại vũ khí khác được Houthi sử dụng để tấn công các tuyến đường vận chuyển quốc tế.
Mỹ và Anh cho biết trong một tuyên bố chung với Australia, Bahrain, Canada, Đan Mạch, Hà Lan và New Zealand: “Mục đích của chúng tôi vẫn là giảm căng thẳng và khôi phục ổn định ở Biển Đỏ nhưng hãy để chúng tôi nhắc lại cảnh báo của mình với lãnh đạo Houthi: Chúng tôi sẽ không ngần ngại tiếp tục bảo vệ sinh mạng và dòng chảy thương mại tự do tại một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới ở Biển Đỏ khỏi những mối đe dọa liên tục”.
Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng hai tàu khu trục của Mỹ đã bắn tên lửa Tomahawk trong khuôn khổ cuộc tấn công vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Cả hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke là USS Gravely và USS Carney đã bắn tên lửa hành trình tấn công mặt đất trong chiến dịch.
Các máy bay chiến đấu F/A-18 từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower cũng tham gia cuộc không kích.
Đầu ngày 3/2, Mỹ đã tấn công sáu tên lửa hành trình chống hạm của Houthi trước khi chúng được phóng về phía Biển Đỏ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết các cuộc tấn công gần đây nhất nhằm mục đích làm gián đoạn và làm suy giảm thêm khả năng của lực lượng Houthi. Ông Austin nói ngày 3/2: “Hành động tập thể này gửi một thông điệp rõ ràng tới Houthi rằng họ sẽ tiếp tục gánh thêm hậu quả nếu không chấm dứt các cuộc tấn công bất hợp pháp vào các tàu hải quân và vận tải quốc tế”.
Tổng thống Joe Biden đã bật đèn xanh cho các cuộc tấn trên từ hồi đầu tuần. Dù vậy, hai quan chức chính quyền cấp cao nhấn mạnh với CNN rằng Mỹ không muốn leo thang và các cuộc tấn công là để đáp trả trực tiếp các hành động của Houthi.
Vào tháng trước, ông Biden thừa nhận rằng các cuộc tấn công trước đó nhằm vào lực lượng Houthi không ngăn cản được nhóm này nhưng nói rõ rằng các cuộc tấn công sẽ tiếp tục.
Trong khi đó, ông Mohammed Al Bukhaiti, thành viên hàng đầu của Hội đồng Chính trị Houthi, cho biết trong một tuyên bố ngày 3/2: “Việc liên minh Mỹ - Anh ném bom vào một số tỉnh của Yemen sẽ không làm thay đổi quan điểm của chúng tôi và chúng tôi khẳng định rằng các hoạt động quân sự chống Israel sẽ tiếp tục cho tới khi ngừng diệt chủng ở Gaza và dỡ bỏ bao vây người dân ở đây, bất kể chúng tôi phải trả giá bằng những hy sinh gì”.
Các cuộc tấn công trong những ngày liên tiếp diễn ra khi chính quyền Mỹ áp dụng phản ứng đa tầng đối với cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng vào cuối tuần trước ở Jordan.
Để tránh một cuộc chiến tranh khu vực với Tehran, Mỹ đã không nhắm mục tiêu trực tiếp vào Iran, thay vào đó nhắm vào một số lực lượng ủy nhiệm mạnh nhất của nước này trong khu vực. Theo CNN, đây là một cách gián tiếp để gửi thông điệp tới giới lãnh đạo Iran.
Các cuộc tấn công ở Yemen nói trên khác với các cuộc tấn công ở Iraq và Syria. Cuộc không kích ở Yemen là để trả đũa vì Houthi tấn công đang các tuyến đường vận chuyển quốc tế và tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ, trong khi cuộc tấn công ở Iraq và Syria là để trả đũa cho cái chết của 3 lính Mỹ ở Jordan. Tuy nhiên, cả hai đều nhắm vào các nhóm được cho là do Iran hậu thuẫn ở Trung Đông.
Về phần mình, chính quyền Iraq lên án hoạt động quân sự mới nhất của Mỹ. Tướng Yehia Rasool, người phát ngôn của Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani nhấn mạnh các cuộc không kích tại miền Tây nước này, giáp giới với Syria, vi phạm chủ quyền Iraq và sẽ có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định của Iraq cũng như khu vực. Trong phản ứng ngay sau đó, ông Kirby nói rằng chính phủ Mỹ đã thông báo cho chính quyền Iraq trước khi tiến hành cuộc không kích trên.
Theo AFP ngày 3/2, Bộ Văn hóa Syria đã lên án các cuộc tấn công của Mỹ làm hư hại pháo đài Al-Rahba ở khu vực Mayadeen - một địa điểm lịch sử ở tỉnh Deir Ezzor ở phía Đông Syria. Thông báo của Bộ Văn hóa Syria cho biết pháo đài Al-Rahba nằm dọc theo sông Euphrates có niên đại từ thế kỷ thứ 9. Theo Nhật báo Al-Watan, các cuộc không kích của Mỹ đã gây ra các vết nứt trên các bức tường của pháo đài.
Sau diễn biến ở Iraq và Syria, ngày 3/2, ông Dmitry Polyansky - Phó trưởng phái đoàn đại diện của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) - cho biết Moskva đã đề nghị một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Moskva lên án những cuộc không kích của Mỹ ở Iraq và Syria, đồng thời cho rằng tình hình cần được HĐBA LHQ xem xét.
Cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại trước nguy cơ xung đột leo thang hơn nữa ở Trung Đông sau khi Mỹ thực hiện các vụ không kích tại Iraq và Syria. Phát biểu trước báo giới, ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ - nêu rõ: "Tổng thư ký Antonio Guterres lo ngại nguy cơ xung đột leo thang hơn nữa. Ông hối thúc các bên liên quan có những bước đi cụ thể nhằm hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời tính tới những thiệt hại về người và kinh tế từ một cuộc xung đột lan rộng tại khu vực vốn đã nhuốm màu bạo lực".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin