Trong dịp tết Nguyên đán 2024, ngày càng có nhiều người nuôi thú cưng ở Trung Quốc phải chi nhiều hơn để đảm bảo thú cưng của họ được chăm sóc tốt. Từ đó các dịch vụ "bảo mẫu thú cưng" cũng hốt bạc.
Vì nhiều lý do, nhiều người không thể đem theo thú cưng về quê trong kỳ nghỉ lễ. Ảnh: CNBC |
Khi Tết Nguyên đán đã cận kề, giá dịch vụ chăm sóc thú cưng ở Trung Quốc đã tăng đáng kể, đặc biệt vào thời điểm ngày càng có nhiều người Trung Quốc sở hữu thú cưng hơn bao giờ hết.
Với kỷ lục 9 tỷ lượt đi lại dự kiến được thực hiện trong đợt cao điểm Xuân vận năm nay, những người nuôi thú cưng không thể mang theo thú cưng trong chuyến về nhà lần này đang tìm đến các dịch vụ “bảo mẫu thú cưng”.
Thông tin trên các nền tảng phổ biến dành cho dịch vụ thú cưng, bao gồm Xianyu và Maooo, cho thấy vào dịp này giá cao hơn bình thường khoảng 20% đến 50%, và chỉ còn ít lịch trông thú cưng cho đợt lễ từ 10/2 đến 17/2.
Dịch vụ này sẽ bao gồm spa thú cưng, vận chuyển, dọn dẹp chỗ ở, đến nhà cho thú cưng ăn, đi dạo và chơi với chúng.
Một bảo mẫu đang cho mèo ăn vì chủ nhà phải về quê. Ảnh: Metro |
Tại Thượng Hải, một cư dân tên Qiuzhang Xizi cho biết cô được báo giá 150 nhân dân tệ (21 USD) mỗi ngày cho dịch vụ trông hai con mèo của cô tại nhà, giá này cao hơn 25% so với bình thường.
Một cửa hàng thú cưng khác trong thành phố nói với tờ Sixth Tone rằng họ đã nhận được 310 đơn đặt hàng dịch vụ chăm sóc mèo trong suốt Lễ hội mùa xuân và chỉ còn lại rất ít chỗ trống. Kể từ 5/2, cửa hàng đã tính phí khách hàng mới cao hơn 50% so với bình thường.
“Mỗi người trông mèo của chúng tôi sẽ đến thăm ít nhất 40 nhà mỗi ngày, dành 20 phút ở mỗi nơi để chăm sóc thú cưng. Có thể mất hơn một giờ đồng hồ tại nhà chủ với nhiều yêu cầu”, một nhân viên tại cửa hàng cho biết.
Các dịch vụ này có nhu cầu cao nhất ở các thành phố lớn của Trung Quốc, nơi người nuôi thú cưng chiếm đa số. Theo số liệu thống kê, số lượng vật nuôi ở Trung Quốc đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023 lên gần 200 triệu.
Công việc kinh doanh béo bở này đã khiến một số người tìm cách kiếm tiền nhanh chóng để cung cấp dịch vụ của họ trong kì nghỉ xuân.
Wang Lei, một nhà môi giới bảo hiểm 30 tuổi ở Quảng Đông, lần đầu tiên thử sức với việc trông thú cưng vì anh không về nhà vào dịp Tết. Cho đến nay, anh đã tìm được 23 khách hàng, với 16 ngôi nhà để đến chăm thú cưng.
Cơ hội kiếm tiền dễ dàng này đã được đưa tin trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, với nhiều trường hợp người trông thú cưng nghiệp dư tuyên bố đã kiếm được hàng nghìn nhân dân tệ trong Lễ hội mùa xuân này.
Tuy nhiên, các nhà chức trách cũng cảnh báo về những rủi ro khi sử dụng dịch vụ của các đơn vị cung cấp non trẻ, vẫn còn thiếu các tiêu chuẩn và quy định chính thức.
Hôm 8/2, hội đồng bảo vệ người tiêu dùng ở phía đông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã kêu gọi các chủ vật nuôi cảnh giác trước những nhà cung cấp dịch vụ thú cưng không chính thức tăng giá.
Trên nền tảng phong cách sống Xiaohongshu, một số người nuôi thú cưng đã phàn nàn về những trải nghiệm khó chịu khi cho thú cưng lên máy bay, bao gồm cả việc thú cưng bị thương và thậm chí tử vong do những người cung cấp dịch vụ cẩu thả gây ra.
Trong bài viết trên WeChat của mình, Hội đồng Người tiêu dùng Giang Tô đã kêu gọi các bộ phận liên quan ban hành các tiêu chuẩn ngành và phương pháp quản lý “càng sớm càng tốt”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin