Theo kết quả sơ bộ, đảng Nhân dân châu Âu (EPP) bảo thủ vẫn giữ vị trí đứng đầu với 186 ghế trên tổng số 720 ghế của cơ quan lập pháp mới, tăng thêm 10 ghế so với năm 2019. Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D) trung tả tiếp tục ở vị trí thứ hai với 135 ghế (giảm 4 ghế) và vị trí thứ ba vẫn thuộc về đảng Đổi mới châu Âu (RE) trung dung với 79 ghế (giảm 23 ghế).
Trụ sở Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 6/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Tương tự, hai đại diện cánh hữu cấp tiến đã giành thắng lợi lớn, với đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) được 73 ghế (tăng 4 ghế) và đảng Bản sắc và Dân chủ (ID) được 58 ghế (tăng 9 ghế). Trái ngược với phe cực hữu, nhóm đảng Xanh/Liên minh tự do đã gặp thất bại nặng nề khi chỉ giữ được 53 ghế (giảm 18 ghế).
Thắng lợi của ECR và ID là nhờ sự vươn lên mạnh mẽ của các đảng cực hữu tại một số nước. Tại Áo, đảng Tự do (FPOe) cực hữu lần đầu tiên giành vị trí dẫn đầu, giống như thành tích của đảng Tập hợp quốc gia (RN) ở Pháp và đảng Anh em Italy (Fratelli d'Italia). Tại Đức, mặc dù mất uy tín sau các vụ bê bối, nhưng đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) vẫn giành được 14,5% phiếu bầu để vươn lên vị trí thứ hai, đứng trên cả đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz.
Khác với Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Olaf Scholz phải hứng chịu những thất bại làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiếng nói của các đảng cầm quyền ở hai nước này tại các thể chế EU, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni là một số ít các nhà lãnh đạo giành được thắng lợi. Đảng Anh em Italy của bà vẫn giữ vị trí dẫn đầu các danh sách ở Italy, đảm bảo cán cân quyền lực không thay đổi trong phe đa số tại nước này.
Với kết quả có được, ba nhóm EPP, S&D và RE vẫn giữ được vai trò chi phối các chương trình nghị sự chiến lược của EU trong những năm tới, cho dù “cỗ máy thỏa hiệp” tại EP sẽ thay đổi ít nhiều với sự xuất hiện trong một vị thế mới của phe cực hữu. Ở vị trí dẫn đầu và chiếm khoảng 25% tổng số 720 ghế, EPP có thể tiếp tục đảm nhận chức chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và trao cho bà Ursula von der Leyen một nhiệm kỳ thứ hai. S&D chiếm gần 20% có khả năng đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Phiên họp toàn thể đầu tiên của cơ quan lập pháp mới sẽ diễn ra từ ngày 16–19/7 tại Strasbourg. Trong thời gian này, EP sẽ tiến hành bầu chủ tịch và các phó chủ tịch, đồng thời quyết định số lượng đại biểu của mỗi ủy ban trực thuộc. Cơ quan lập pháp mới cũng sẽ bỏ phiếu bầu chủ tịch mới của EC và xem xét ứng cử viên cho các vị trí ủy viên trong thể chế này. Tuy nhiên, trước khi diễn ra phiên họp toàn thể, các đại biểu mới sẽ phải tập hợp thành các nhóm chính trị được thành lập trên cơ sở “gia đình chính trị” của mình.
Như vậy, cán cân quyền lực cuối cùng tại EP vẫn chưa hoàn toàn được xác định. Trong những ngày tới, tại Strasbourg sẽ diễn ra các cuộc thương lượng để hình thành các liên minh mới, nhất là khi có sự hiện diện đông đảo hơn của cánh hữu cấp tiến. Có rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra. Chẳng hạn liệu đảng Dân chủ Công dân (ODS) của Thủ tướng Séc Petr Fiala, hay Liên minh Flanders Mới (N-VA) trung hữu của cộng đồng nói tiếng Hà Lan của Bỉ có rời ECR để đến với EPP? Hay liệu đảng Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orban có bắt tay với ECR? Những dịch chuyển này nếu xảy ra sẽ đặt ECR đối đầu với RE và cuộc chiến giành vị trí thứ ba sẽ rất cam go giữa hai nhóm này.
Một ẩn số khác là khả năng xích lại gần nhau giữa hai nhóm cực hữu ECR và ID. Nhiều người tỏ ý nghi ngờ do giữa hai nhóm đang tồn tại khá nhiều khác biệt, nhưng nếu liên minh này hình thành, vị trí thứ hai của S&D thậm chí sẽ bị đe dọa. “Quả bóng” hiện ở bên phần sân của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni – người đang được cả phe cực hữu và lẫn Chủ tịch EC sắp mãn nhiệm Ursula von der Leyen “ve vãn”.
Cũng có giả định là cả bà Marine Le Pen của đảng RN và Giorgia Meloni, hai nữ chính khách có cá tính rất mạnh mẽ của phe cực hữu châu Âu, sẽ hòa hợp và bắt tay nhau. Bởi triển vọng RN thành lập chính phủ - một kịch bản có thể xảy ra - sau cuộc bầu cử sớm tại Pháp sẽ thay đổi vị thế của đảng này để trở thành một đối tác quyết định của Thủ tướng Italy.
Về phần mình, thất bại lần này của đảng Xanh cho thấy các nhà bảo vệ môi trường châu Âu đã phải trả giá đắt cho “Thỏa thuận Xanh châu Âu” - gói văn bản khổng lồ vốn là nguồn gốc của các cuộc biểu tình nông dân rộng khắp châu Âu trong những tháng gần đây. Để vãn hồi hy vọng, đảng Xanh châu Âu dường như đang trông chờ ở giải pháp trở lại với liên minh đa số sau thời gian quay lưng lại với các nhóm chính trị truyền thống này.
Sự suy yếu của đảng Xanh dự báo những khó khăn của Liên minh châu Âu (EU) trong việc thúc đẩy các tham vọng khí hậu và mục tiêu trung hóa carbon đến năm 2050 của khối này. Áp lực còn lớn hơn nữa khi các đảng theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy, bao gồm các đảng cực hữu, đều muốn thúc đẩy các chương trình tái công nghiệp hóa và đánh giá lại quy mô và phạm vi ảnh hưởng của Thỏa thuận Xanh.
Tương tự, các thể chế châu Âu cũng chịu một sức ép rất lớn khi nhiều đảng phái cấp tiến, như đã thấy qua các cuộc tranh luận trong chiến dịch tranh cử tại Pháp, đều ủng hộ việc tăng cường chính sách bảo hộ kinh tế, phòng vệ thương mại, kiểm soát xuất khẩu, tăng thuế carbon ở biên giới, thậm chí là bãi bỏ các hiệp định đã ký kết hoặc đang đàm phán với các đối tác bên ngoài.
Có những điều đã dự liệu nhưng khi xảy ra vẫn gây sốc hoặc dẫn đến những quyết định bất ngờ. Đó là trường hợp của Pháp. Sự suy sụp của RE trong cuộc bầu cử EP lần này đã giáng một đòn rất mạnh vào Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte, một cặp biểu tượng của “gia đình tự do châu Âu”. Thất bại này đã khiến nhà lãnh đạo Pháp nhanh chóng tuyên bố giải tán quốc hội và lên kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử cơ quan lập pháp mới vào ngày 30/6 và ngày 7/7 tới theo Điều 12 của Hiến pháp. “Sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy là mối nguy hiểm cho đất nước, cũng như cho châu Âu, cho vị trí của Pháp ở châu Âu và trên thế giới” - ông nhấn mạnh khi nêu lý do đưa ra quyết định gây chấn động châu Âu trên truyền hình ngay tối 9/6.
Rất nhiều người coi quyết định của Tổng thống Macron, được đưa ra ngay trước thềm Thế vận hội Olympics Paris, là một canh bạc rất mạo hiểm, có thể sẽ mở ra một thời kỳ bất ổn chính trị sâu sắc ở Pháp. Câu hỏi lúc này là trong một thời gian cực ngắn, ông sẽ hành động như thế nào để thuyết phục cử tri và lật ngược tình thế trước một phe cực hữu đã củng cố được sức mạnh sau một thời gian dài và đang trên đà tiến lên? Và điều gì sẽ xảy ra nếu phe của ông một lần nữa thất bại và RN lặp lại thành tích bầu cử? Giới phân tích nhận định tình hình chính trị tại Pháp sẽ lập tức rơi vào tình trạng gần như không thể quản lý được và Tổng thống Macron sẽ phải đối mặt với một Quốc hội phản đối hầu hết các dự án cải cách còn lại mà ông đã lên kế hoạch. Liên minh trung dung của ông có thể tan vỡ và có thể ông sẽ phải bổ nhiệm một thủ tướng từ một đảng khác, thậm chí là đảng RN cực hữu, trong cái gọi là thỏa thuận "sống chung". Một thỏa thuận như vậy có lẽ cũng sẽ là lựa chọn mà các nhóm chính trị trong EP nhiệm kỳ này phải tính đến cho phù hợp với tương quan lực lượng thực tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin