Cuộc thử nghiệm khẳng định khả năng phòng thủ của Ấn Độ trước tên lửa đạn đạo tầm bắn 5.000 km và tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến.
Tên lửa hành trình siêu vượt âm tầm xa BrahMos của Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 24/7, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) Ấn Độ đã thử thành công Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo giai đoạn II từ ngoài khơi bờ biển Odisha, miền Đông Ấn Độ.
Tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết tên lửa mục tiêu được phóng từ cơ sở phóng phức hợp LC-IV Dhamra lúc 16h20, mô phỏng tên lửa đạn đạo của đối phương, đã bị phát hiện bởi các radar của hệ thống vũ khí được triển khai trên đất liền và trên biển và kích hoạt hệ thống đánh chặn AD.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, DRDO cho hay tên lửa nội khí quyển AD giai đoạn II được phóng từ cơ sở LC-III tại ITR, Chandipurat lúc 16h24 đã "đáp ứng tất cả các mục tiêu thử nghiệm, xác nhận hệ thống vũ khí chiến tranh lấy mạng làm trung tâm bao gồm hệ thống cảm biến LR, hệ thống liên lạc có độ trễ thấp và tên lửa Đánh chặn tiên tiến".
Cuộc thử nghiệm đã chứng minh khả năng của Ấn Độ trong nỗ lực phòng thủ trước tên lửa đạn đạo tầm bắn 5.000 km. Dữ liệu phóng của tên lửa đã được thu thập bởi các thiết bị theo dõi tầm xa như Hệ thống quang điện, Radar và Trạm đo từ xa được triển khai tại nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm cả trên tàu.
Tên lửa nội khí quyển AD giai đoạn II là hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất sử dụng nhiên rắn được phát triển bản địa nhằm vô hiệu hóa nhiều loại mối đe dọa tên lửa đạn đạo của đối phương trong phạm vi độ cao từ khu vực nội khí quyển đến khu vực ngoài khí quyển thấp. Một số công nghệ bản địa tiên tiến nhất được phát triển bởi nhiều phòng thí nghiệm DRDO khác nhau đã được tích hợp vào hệ thống tên lửa này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin