Mỹ vẫn từ chối để Ukraine dùng vũ khí tầm xa

Theo QĐND 10:29, 08/09/2024

Trong tuyên bố mới nhất, các quan chức Mỹ một lần nữa nhấn mạnh vũ khí tầm xa không phải là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp của UDCG ngày 6-9 ở Đức. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp của UDCG ngày 6-9 ở Đức. Ảnh: Reuters

Reuters đưa tin, ngày 6-9, Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG) tổ chức cuộc họp lần thứ 24 tại Căn cứ không quân Ramstein ở miền Tây nước Đức. Nhóm này do Mỹ đứng đầu, bao gồm hơn 50 quốc gia, được thành lập nhằm điều phối các đợt chuyển hàng viện trợ quân sự của đồng minh đến Ukraine. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nêu rõ việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây viện trợ để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga sẽ “không có khả năng nào” thay đổi cục diện cuộc xung đột hay đem lại lợi ích cho Kiev.

 “Tôi nghĩ cuối cùng thì cuộc xung đột tại Ukraine sẽ được giải quyết trên bàn đàm phán nhưng rất khó để dự đoán lúc nào thời điểm đó đến”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Austin cho biết thêm.

Khi được yêu cầu bình luận đối với lập luận của chính quyền Kiev về sự cần thiết phải tấn công các căn cứ không quân đồn trú máy bay mà Nga sử dụng để tấn công Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho hay, lực lượng Nga đã đưa hầu hết chúng ra ngoài phạm vi mà tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS của Mỹ hay tên lửa hành trình Storm Shadows của Anh có thể nhắm tới. Thông tin này tương tự với công bố của phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby trong họp báo ngày 4-9 tại Nhà Trắng rằng Washington ước tính 90% máy bay Nga phóng bom lượn và bắn tên lửa nhằm vào các mục tiêu tại Ukraine đều ở các sân bay cách lãnh thổ mà phía Kiev kiểm soát 300km, tức là ngoài tầm bắn của những vũ khí tầm xa trên.

Trước đó, theo Reuters, trong cuộc họp của UDCG, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước phương Tây cung cấp thêm tên lửa tầm xa và dỡ bỏ hạn chế về sử dụng vũ khí này tập kích sâu vào lãnh thổ Nga. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Ukraine trực tiếp tham dự một cuộc họp của UDCG để vận động hành lang cho việc chuyển hàng viện trợ nhanh hơn.

Mặt khác, RT đưa tin, Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cũng nêu lên một số lý do để lý giải việc Washington giữ nguyên quan điểm không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào đất Nga. Trong đó, Mỹ cho biết số lượng tên lửa ATACMS của nước này có hạn hay lo ngại nguy cơ leo thang xung đột khi loại vũ khí này được Ukraine triển khai.

Đầu năm nay, Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự ở biên giới Nga. Trong khi đó, Nga từng cảnh báo nếu vũ khí phương Tây được sử dụng sâu bên trong nước này, hậu quả sẽ ảnh hưởng đến cả hai bờ Đại Tây Dương.

Cũng tại cuộc họp lần này của UDCG, Mỹ thông báo khoản viện trợ an ninh bổ sung trị giá 250 triệu USD cho Ukraine và cam kết sẽ chuyển giao với tốc độ nhanh nhất. Ngoài ra, Đức sẽ chuyển thêm 12 khẩu pháo tự hành hay Canada có kế hoạch gửi thêm hơn 80.000 quả rocket không đối đất cỡ nhỏ, 1.300 đầu đạn và các bộ khung gầm tháo từ xe bọc thép chở quân cho Kiev.

Trong một diễn biến khác, TASS đưa tin, ngày 6-9, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tiếp tục nhấn mạnh Nga cần thực hiện các nhiệm vụ đặt ra vào đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và hiện chưa có khung thời gian cụ thể cho việc này.