Theo đánh giá ban đầu của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), nhiệt độ trung bình trên toàn cầu trong tháng 8/2024 ở mức nóng kỷ lục.
Phun hơi sương để giảm nhiệt trên đường phố tại Budapest, Hungary. Ảnh: THX/TTXVN |
Mặc dù chưa công bố cụ thể về mức nhiệt trung bình trên toàn cầu vào tháng 8 năm nay, song dữ liệu sơ bộ của cơ quan trên cho thấy con số này sẽ cao hơn mức nhiệt trung bình là 16,82 độ C đo được vào tháng 8/2023.
Theo các cơ quan khí tượng khác, các nước như Australia, Nhật Bản, một số tỉnh của Trung Quốc và quần đảo Svalbard nằm giữa đất liền Na Uy và Bắc Cực đều ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 8/2024.
Ngay từ đầu tháng 8, C3S cảnh báo năm 2024 nhiều khả năng sẽ là năm nắng nóng kỷ lục, “xô đổ” kỷ lục về nắng nóng được ghi nhận trong năm 2023.
Cũng theo C3S, nhiệt độ trung bình trong tháng 7/2024 cao hơn 1,48 độ C so với mức nhiệt trung bình ước tính cho tháng 7 của các năm thuộc thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900.
Các nhà khoa học cảnh báo, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục hiện nay xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu mà phần lớn do con người gây ra, chẳng hạn như các hoạt động sản xuất gây phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Hệ quả là thế giới sẽ chứng kiến hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với cường độ và tần suất ngày càng cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin