Cam kết “chống rác thải nhựa”

10:03, 27/06/2021

Chúng ta đều biết, rác thải nhựa đang là mối nguy hại toàn cầu. Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách, chế tài để giảm tối đa rác thải từ nhựa.

Tuy nhiên, thói quen dùng đồ nhựa một lần của các cơ quan, đơn vị và người dân còn khá phổ biến, khó thay đổi. Để tiến tới giải quyết triệt để rác thải từ nhựa, một trong những biện pháp được ưu tiên chính là yêu cầu các cơ quan, đơn vị, người dân ký cam kết hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Thái Nguyên cũng giống nhiều địa phương khác vẫn còn tình trạng cơ quan, đơn vị, người dân sử dụng túi nilon, vật dụng nhựa để chứa đồ sau đó thải ra môi trường tự nhiên.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy tại các chợ dân sinh, các trung tâm thương mại, siêu thị, hầu hết người dân đều dùng túi nilon, hộp nhựa để chứa đồ. Tại nhiều cơ quan, đơn vị mặc dù đã có khuyến cáo, nhưng vẫn sử dụng đồ nhựa để phục vụ công việc (chai nước uống bằng nhựa, túi tài liệu nhựa, đồ văn phòng bằng nhựa…).

Trước thực tế trên, ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường đề nghị tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh ký cam kết chống rác thải nhựa, tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn. Hoạt động ký cam kết là một trong những hình thức tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người dân, đồng thời được xem là pháp lệnh để tất cả cùng chung tay thưc hiện phong trào này.

Đối với hoạt động văn phòng các cơ quan, đơn vị, UBND tỉnh yêu cầu cần cam kết đủ 3 nội dùng gồm: Giảm phát sinh chất thải nhựa thông qua việc hạn chế, tiến đến không sử dụng chai đựng nước nhựa dùng một lần trong văn phòng, thay thế bằng các loại chai thủy tinh, bình kim loại đựng nước. Tùy điều kiện từng cơ quan để thay thế phông nền biểu ngữ in bạt nhựa bằng việc sử dụng màn hình tivi, màn chiếu, màn hình LED, chữ cắt dán bằng giấy tại các hội nghị, hội thảo, sự kiện. Phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng “nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Nâng cao ý thức sử dụng vật liệu thân thiện môi trường để làm băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền thay thế vật liệu nhựa…

Hoạt động sản xuất, kinh doanh cần thay thế dần việc sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa sang các sản phẩm thân thiện với môi trường; tổ chức thu hồi bao bì sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, bố trí các phương tiện, thiết bị để phân loại chất thải; không để lẫn chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế với chất thải hữu cơ. Tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, nhân viên, người tiêu dùng thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần.

Tóm lại, việc ký cam kết chống rác thải nhựa được xem là bước khởi đầu quan trọng cần sự vào cuộc trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và người dân. Tiếp đó, tất cả phải hành động, biến những điều đã cam kết thành hiện thực thông qua những việc làm cụ thể nhằm loại dần rác thải nhựa ra khỏi môi trường tự nhiên.