Một trong những vấn đề rất cần được quan tâm trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp là xử lý rác thải y tế, rác thải sinh hoạt tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly y tế tập trung, cách ly y tế tại nhà và các khu vực dân cư bị phong tỏa, giãn cách.
Nếu vấn đề này không được quản lý chặt chẽ, đúng quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý thì lại là nguồn lây dịch bệnh ra cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường. Kết quả kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn tại các khu cách ly y tế tập trung cho thấy nhiều khu vực tồn tại hạn chế như: khu vực thu gom rác thải, đồ phòng hộ chưa có mái che; thiếu thùng để đựng đồ bảo hộ của nhân viên y tế khi ra, vào nơi ở của người đang cách ly; rác thải sinh hoạt để bừa bãi, nhất là khu vực vệ sinh chung không vệ sinh theo quy định…
Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 cần đặc biệt chú trọng. Rác thải tại các khu vực này có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nên cần được thu gom, xử lý như rác thải nguy hại và phải tuân thủ nghiêm các quy định để bảo đảm an toàn.
UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng, điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế trên địa bàn cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế, khu vực điều trị, chăm sóc người bệnh, khu vực cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu vực cách ly khác) tại địa phương thực hiện công tác thu gom, lưu trữ và chuyển giao chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 theo nội dung "Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19" đã được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ban hành. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc trong quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh tại các khu vực nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khu chung cư, tại lễ tang…
Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại tại các cơ sở y tế, khu vực cách ly, khu vực phong tỏa đang được giao cho các đơn vị chuyên môn thực hiện. Các đơn vị phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ về quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý nghiêm ngặt, tuyệt đối không để rác trở thành nguồn lây dịch bệnh ra cộng đồng.
Trong khi đó, nhằm tạo điều kiện cho người cách ly thực hiện phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định, các đơn vị cần phát túi đựng rác cho người đang thực hiện cách ly theo mầu giúp cho việc phân loại rác dễ dàng; tại các hành lang trong khu cách ly, khu vực phong tỏa, giãn cách cần bố trí các thùng nhựa cứng có nắp đậy và túi đựng chất thải lây nhiễm và đều phải dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" để người dân thực hiện. Công tác vận chuyển về nhà máy để xử lý, cần được các đơn vị tính toán quãng đường vận chuyển ngắn nhất, tránh tối đa đi qua khu vực dân cư, nơi tập trung đông người và bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình vận chuyển, xử lý…
Ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế về chăm sóc sức khỏe và thực hiện thông điệp "5K"; thực hiện thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại đúng quy định; đồng thời sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng cách... Qua đó góp phần bảo vệ môi trường và đẩy lùi dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất.