Đợt nắng nóng kéo dài vừa qua cùng với tình trạng hạn hán nghiêm trọng đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 116 người chỉ riêng tại bang Oregon.
Các bang phía Tây nước Mỹ chuẩn bị tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng mới vào cuối tuần sau khi vừa trải qua đợt nóng kỷ lục trong tháng 6 khiến nhiều người thiệt mạng.
Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ đã phát đi cảnh báo về đợt nắng nóng tại khắp các bang miền Tây với dự báo đợt nắng nóng kéo dài đến tối 12-7 (giờ địa phương) với nhiệt độ tại nhiều địa phương có thể lên tới 40 độ C.
Cụ thể, các bang Washington, New Mexico, Colorado, Oregon, Idaho, Nevada, Utah và Arizona có thể hứng chịu cái nóng từ 38 đến 40 độ C. Riêng thung lũng Tử thần thuộc bang California có thể trải qua nhiệt độ lên tới 54 độ C.
Do ảnh hưởng của thời tiết nóng nực, Cơ quan Dự báo thời tiết Mỹ cũng cảnh báo người dân cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ bị các bệnh về nắng nóng.
Theo cơ quan y tế Mỹ, đợt nắng nóng kéo dài vừa qua cùng với tình trạng hạn hán nghiêm trọng đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 116 người chỉ riêng tại bang Oregon.
Người dân bang California (Mỹ) và ở các bang lân cận đã phải trải qua tháng 6-2021 nóng kỷ lục so với cùng thời điểm trong hơn một thế kỷ qua.
Theo số liệu tổng hợp của nhà nghiên cứu Daniel Swain, thuộc Viện Môi trường và phát triển bền vững, nhiệt độ trung bình vào tháng 6-2021 cao hơn mọi tháng 6 kể từ khi thống kê chính thức được cập nhật vào năm 1895 tại khu vực miền Tây nước Mỹ - kéo dài từ Hoang mạc ở California, xuống phía hạt San Diego ở phía Đông, đến vùng Sierra Nevada ở miền Bắc và hướng ra phía Đông sang phần lớn bang Arizona, Utah và Nam Idaho.
Báo cáo riêng của Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Mỹ được công bố ngày 9-7 cho biết, tháng 6 vừa qua là thời điểm nóng nhất được ghi nhận đối với vùng tiếp giáp trên của Mỹ.
Báo cáo của Trung tâm Thông tin môi trường quốc gia xác nhận, nhiệt độ trung bình 75,1 độ F (23,9 độ C) trên khắp bang California trong tháng 6-2021, cao hơn 6,8 độ so với mức trung bình 68,3 độ F (20,1 độ C) được ghi nhận từ năm 1901 đến năm 2000.
Trước đó, Cơ quan Giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus cũng công bố báo cáo cho biết, tháng 6 nóng kỷ lục ở Bắc Mỹ phản ánh các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu.
Trên toàn cầu, tháng 6 năm nay cùng với tháng 6-2018 trở thành tháng 6 nóng thứ tư trong lịch sử. Đối với châu Âu, tháng vừa qua là tháng 6 nóng thứ hai trong lịch sử, trong khi khu vực Siberia ở phía Bắc cũng trải qua một mùa hè cực kỳ oi bức.