Dự báo đêm nay (8-9), bão Conson sẽ đi vào Biển Đông, thành cơn bão số 5 năm 2021. Để kịp thời ứng phó với bão Conson và mưa lũ lớn trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, sáng 8-9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương.
Xuất hiện hai cơn bão trên biển Đông
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết trong những ngày qua đã xảy ra mưa ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, và dự báo đợt mưa này tiếp tục xảy ra cao điểm trong ngày và đêm nay, kéo dài hết ngày mai.
Với diễn biến mưa như vậy, ông Khiêm lưu ý cảnh báo nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp.
Về diễn biến bão Conson, ông Khiêm cho biết vào sáng nay, các giám sát của trung tâm cho thấy cơn bão này đang hoạt động ở miền trung Philippines, cường độ đang ở cuối cấp 8, đầu cấp 9.
Ngoài cơn bão này còn có một cơn bão khác tên Chanthu đang hoạt động ở phía ngoài, do đó hướng di chuyển của bão Conson sẽ có những thay đổi nhất định sau khi vào Biển Đông.
Theo ông Khiêm, dự báo đêm nay bão Conson sẽ đi vào Biển Đông, thành cơn bão số 5 năm 2021. Hiện các phương án dự báo của quốc tế và Việt Nam vẫn có sự phân tán. Có phương án dự báo bão đi lệch xuống Bắc Trung Bộ, có phương án dự báo bão đi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) và suy yếu dần.
Tuy nhiên phần lớn đồng tình với phương án bão sẽ di chuyển chủ đạo hướng Tây Bắc, tốc độ 20 km/giờ về phía vịnh Bắc Bộ, giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Về cường độ, lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết phần lớn phương án dự báo bão đạt cấp mạnh nhất là cấp 11 khi đi qua quần đảo Hoàng Sa, trước khi tiến vào gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) có khả năng suy yếu dần.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia kiến nghị cơ quan phòng chống thiên tai có chỉ đạo về các tác động. Đến thời điểm hiện nay, các tác động cần lưu ý là khu vực vùng biển. Bão có thể gây gió mạnh trên toàn vùng biển bắc biển Đông, trong các ngày từ 9 đến 11-9, trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11 trong ngày 10-9. Như vậy toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong khu vực cần được lưu ý để phòng tránh an toàn.
Đối với đất liền, do bão Conson còn chịu tác động của bão Chanthu ở phía ngoài là cơn bão mạnh, cường độ có thể đạt cấp 15-16, cấp siêu bão nên sẽ tác động mạnh đến hướng di chuyển và cường độ của bão Conson.
"Chúng tôi nhận định khả năng bão Conson sẽ tác động đến các tỉnh từ Bắc bộ đến Bắc Trung bộ. Các khu vực này cần chuẩn bị các phương án để ứng phó với cơn bão này. Còn về mức độ ảnh hưởng như cường độ bão, mưa lớn thì do còn 4-5 ngày nữa bão mới tác động nên còn nhiều biến động, chúng tôi sẽ cập nhật về tác độ cường độ, mưa trên đất liền sau khi bão đi vào Biển Đông", ông Khiêm nói.
Tuy nhiên, với kịch bản xấu nhất nếu bão tiếp tục theo hướng di chuyển hiện nay, đi vào các tỉnh Bắc Trung bộ và nam Đồng bằng Bắc bộ thì mưa trên đất liền có thể đạt 200-300 mm.
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai với các địa phương ngày 8-9.
Chuẩn bị sẵn các kịch bản di dời dân
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai lưu ý việc các tỉnh cần chuẩn bị cụ thể các kịch bản di dời dân.
Theo ông Hoài, dù bão đổ bộ vào Philippines đi nữa thì với cường độ mạnh cấp 11 và giật cấp 13 thì nhiều tỉnh ven biển vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi cơn bão này.
Hiện nhiều nơi đang thực hiện Chỉ thị 16, nên việc dự báo sát thực hơn cùng với ứng phó linh hoạt của các địa phương không chỉ với bão Conson mà trong toàn bộ mùa mưa bão này hết sức cần thiết.
Ông Trần Quang Hoài cho biết, ngay chiều nay sẽ đề xuất Bộ Y tế có những hướng dẫn cụ thể về phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay.
“Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp cùng Unicef và các chuyên gia y tế cũng đã đưa ra các ứng phó trong nhiều kịch bản thiên tai được đăng tải trên các hệ thống truyền thông về Phòng chống thiên tai, đề nghị các địa phương lưu ý và tham khảo. Tuy nhiên, thông tin chính thống nhất về việc phản ứng y tế trong tình trạng thiên tai vẫn phải được cập nhật từ Bộ Y tế”, ông Hoài nhấn mạnh.
Tại cuộc họp Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương ngay trong chiều nay có kịch bản về di dời, sơ tán dân trong điều kiện dịch bệnh hiện nay gửi về Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai quốc gia để phối hợp kịp thời ứng phó với bão Coson.
“Trong đêm nay nếu tình hình phức tạp thì đề nghị lực lượng bộ đội Biên phòng dọc tuyến biển bắn pháo hiệu để bảo đảm an toàn”, Ông Hoài nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai quốc gia, thông tin cập nhật nhanh ban đầu, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn (với rủi ro thiên tai cấp 3) trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trong đó, dự kiến sơ tán 73.996 dân ven biển (cụ thể: Quảng Ninh 6.018; Hải Phòng 5.252; Ninh Bình 1.392; Thanh Hóa 42.034; Nghệ An 18.200; Hà Tĩnh 1.100 dân); 114.091 người dân ven sông và ngoài đê; 70.770 người dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Các tỉnh khác đang tiếp tục tổng hợp rà soát phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo từng kịch bản về diễn biến thiên tai có khả năng xảy ra trong đợt này.